RSS

Category Archives: Tản Mạn

Thuốc lá và sự chậm phát triển của các nước đang phát triển

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người thường không biểu hiện ra trước mắt và ngay lập tức, nhưng những tác hại này là khôn lường. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, đến năm 2020 số người chết vì sử dụng thuốc lá trên thế giới sẽ nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại. Tổ chức này cũng khuyến cáo thuốc lá chính là nguy cơ thứ hai trong số mười yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển.

Hiện nay, thuốc lá đang trở thành một nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội ở các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Cho dù không ai có thể phủ nhận lợi nhuận thu về cho ngân sách quốc gia từ ngành công nghiệp thuốc lá, nhưng sự hủy hoại về lâu dài của thuốc lá không chỉ dừng lại ở gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá mà còn bởi chi phí bỏ ra để sử dụng thuốc lá của người dân hàng năm quá lớn.

Theo tính toán, việc sử dụng thuốc lá gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho nền kinh tế thế giới mỗi năm. Ở Albani, người hút thuốc lãng phí hai tháng lương cho thuốc lá hàng năm (số liệu năm 2009). Còn ở Bangladesh, hộ gia đình nghèo hút thuốc gần gấp hai lần những hộ gia đình khá hơn và trung bình, người hút thuốc chi gấp hai lần cho thuốc lá so với chi tiêu bình quân đầu người cho quần áo, nhà, y tế, và giáo dục cộng lại (số liệu năm 2001). Ở Philippines, hộ gia đình nghèo nhất chi 2,5% tổng thu nhập cho thuốc lá, hơn cho quần áo, giáo dục và chăm sóc sức khỏe (2006). Con số này là 5% của hộ gia đình nghèo sống ở thành thị ở Myanma. Ở Campuchia, số tiền chi hàng năm cho thuốc lá có thể bù đắp 69,44 triệu USD do thâm hụt ngân sách quốc gia (2008). Trong khi đó, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm từ 6-15% tổng chi phí y tế. Chi phí xã hội cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tại Mỹ chiếm 1,6 GDP. Tại Canada, con số này là 2,2%; tại Trung Quốc là 1,7%. Còn tại Việt Nam, tổng số tiền người dân bỏ ra mua thuốc hút năm 1998 hơn 5.000 tỷ đồng, đến năm 2002 số tiền này đã tăng gấp đôi là 10.400 tỷ đồng và năm 2007 là 14.000 tỷ đồng.

Read the rest of this entry »

 

Tòa Tối cao phải là cơ quan tư pháp cao nhất

Một nguyên tắc hiến định: Tòa án cơ quan tư pháp duy nhất có chức năng xét xử nên phải độc lập với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, tòa không bị ràng buộc địa giới hành chính do cơ quan hành pháp quản lý. Mô hình tòa án khu vực tái khẳng định điều này.…

Hiến pháp năm 1946 quy định: Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm Tòa án Tối cao; Các tòa án phúc thẩm; Các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Mô hình, tên gọi các tòa trên vẫn còn nguyên giá trị, mang đậm tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền. Vì thế khi cải cách tổ chức, hoạt động ngành tòa án nên giữ tư tưởng uyên bác này của Người.

Trong cải cách tư pháp thì vấn đề cải cách tổ chức và hoạt động của tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là ở Tòa án Tối cao. Trước tiên, phải xác định Tòa án Tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất chứ không chỉ là cơ quan xét xử cao nhất. Đây là cơ quan thực thi quyền tư pháp mà không một cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống chính trị có quyền này. Theo Nghị quyết 49, đây là tòa có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. So với chức năng, nhiệm vụ hiện hành thì TAND Tối cao sau khi cải cách sẽ không còn chức năng xét xử phúc thẩm, thêm nhiệm vụ “phát triển án lệ”.

Về tổ chức con người của Tòa án Tối cao sau khi cải cách có sự thay đổi lớn so với bộ máy hiện hành theo hướng tinh, gọn (không quá 20 thẩm phán tối cao). Cơ quan này phải tập hợp không chỉ các thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành mà còn tập hợp các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực pháp luật. Nếu Tòa án Tối cao không có đội ngũ chuyên gia đầu ngành thì không thể đảm đương được nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ như yêu cầu của Nghị quyết 49.

Read the rest of this entry »

 

Về sáu giáo trình các môn học thuộc chuyên ngành tư pháp hình sự ở các cơ sở đào tạo luật nước ta

Tóm tắt. Để nâng cao chất lượng đào tạo các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, đồng thời hỗ trợ cho việc tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học của các cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, cũng như mở rộng sự hiểu biết về các kiến thức pháp luật chuyên ngành cho các cán bộ thực tiễn tại các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án, tác giả bài viết đã đưa ra mô hình sáu đề cương giáo trình các môn học thuộc chuyên ngành tư pháp hình sự ở các cơ sở đào tạo luật, phục vụ công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.

Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ) và cải cách tư pháp (CCTP) ở Việt Nam hiện nay để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các sinh niên, học viên Cao học và nghiên cứu sinh, cũng như hỗ trợ cho việc tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH) của các cán bộ giảng dạy (CBGD) và cán bộ NCKH, mặt khác để mở rộng hơn nữa sự hiểu biết về các kiến thức pháp luật chuyên ngành và trình độ chuyên môn của các cán bộ thực tiễn đang công tác tại các cơ quan lập pháp, hành pháp bảo vệ pháp luật (BVPL) và tư pháp (Tòa án) thuộc lĩnh vực tư pháp hình sự (TPHS), thì rõ ràng là các giáo trình của các môn học mà ở các mức độ khác nhau có liên quan đến các chuyên ngành khoa học pháp lý (KHPL) về đấu tranh chống tội phạm (ĐTrCTP) ở các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học Luật nước ta cần phải được biên soạn mới, sửa đổi hoặc bổ sung một cách chuyên sâu và đầy đủ hơn.

Đối với chuyên ngành TPHS có rất nhiều giáo trình khác nhau nhưng trong phạm vi một bài viết đăng trên Tạp chí Khoa học chúng tôi chỉ bàn về đề cương của sáu (06) giáo trình sau đây:

1. Ba giáo trình của ba môn học pháp lý tương ứng với ba chuyên ngành luật trong lĩnh vực ĐTrCTP đã nêu: 1) Giáo trình “Luật Hình sự Việt Nam (Phần chung)”; 2) Giáo trình “Luật Tố tụng hình sự Việt Nam” và; 3) Giáo trình “Luật Thi hành án hình sự Việt Nam”.

Read the rest of this entry »

 

Tiết kiệm pháp luật và lãng phí pháp luật

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang là mối quan tâm thường trực của mọi nhà, mọi tổ chức, quốc gia và nhân loại. Tiết kiệm, lãng phí trong các lĩnh vực pháp luật được đề cập trong bài viết không chỉ và không chủ yếu là cắt, giảm chi phí về thời gian, công sức, tiền bạc mà còn bao hàm cả sự đầu tư thỏa đáng cho việc xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả. Tiền đề và điều kiện đặc biệt quan trọng của việc tiết kiệm pháp luật, chống lãng phí pháp luật chính là sự đổi mới nhiều quan niệm, cách làm hiện nay như quan niệm pháp luật, nguồn pháp luật, quy trình xây dựng pháp luật… Tiết kiệm nhưng đảm bảo hiệu quả điều chỉnh xã hội của pháp luật, tiết kiệm có văn hóa, đó là yêu cầu và mục đích của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí pháp luật. 

1. Một số vấn đề chung về tiết kiệm pháp luật, lãng phí pháp luật

Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề vừa cấp bách, vừa thường trực của mọi nhà, mọi quốc gia, dân tộc và toàn cầu. Lĩnh vực nào cũng cần và cũng có vấn đề về tiết kiệm, lãng phí. Lĩnh vực pháp luật không là ngoại lệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xây dựng xã hội pháp quyền, phát triển bền vững thì vấn đề này lại càng đặt ra một cách cấp bách hơn bao giờ hết. Tiết kiệm pháp luật (TKPL), phòng ngừa, hạn chế và chống lãng phí pháp luật (LPPL), nói một cách đầy đủ hơn là tiết kiệm, lãng phí trong các lĩnh vực pháp luật. Đây là những vấn đề có nội hàm rộng lớn như chính bản thân pháp luật đúng nghĩa.

TKPL, LPPL được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực cơ bản của đời sống nhà nước – pháp luật: xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; dịch vụ pháp luật; giáo dục – đào tạo, nghiên cứu pháp luật; xây dựng ý thức, lối sống và nền văn hóa pháp luật. Xét trên bình diện cụ thể hơn, TKPL, LPPL được biểu hiện, được nhận diện trong các hành vi, các quan hệ pháp luật của mọi cá nhân, tổ chức và cả trong tư duy pháp luật. Vấn đề quan trọng là quan niệm như thế nào về tiết kiệm và lãng phí trong lĩnh vực pháp luật rộng lớn này. Phải nhận diện được các hiện tượng TKPL, LPPL trên cả bình diện chung và cụ thể của đời sống xã hội – pháp lý.

Read the rest of this entry »

 

Triết học pháp luật trong hệ thống các khoa học pháp lý

Tóm tắt. Bài viết phân tích những vấn đề cơ bản thuộc đối tượng nghiên cứu của triết học pháp luật liên hệ vào thế giới đương đại. Triết học pháp luật, xã hội học pháp luật và lý luận pháp luật là ba cách thức – ba hướng nghiên cứu cơ bản trong khoa học pháp lý hiện đại. Tác giả cũng nêu lên một số vấn đề cơ bản, cấp bách của triết học pháp luật hiện nay như: mối quan hệ giữa đạo đức, pháp luật, dân chủ và tự do, giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, nhận thức pháp luật và một số vấn đề triết học pháp luật chuyên ngành khác. Tác giả đề xuất việc triển khai nghiên cứu triết học pháp luật trên cả hai phương diện: tích hợp ngay trong nghiên cứu lý luận pháp luật truyền thống cùng với xã hội học pháp luật và: xây dựng triết học pháp luật như là một bộ môn khoa học pháp lý độc lập trong hệ thống các khoa học pháp lý.

Đặt vấn đề

Trong hệ thống các khoa học pháp lý, triết học pháp luật có vị trí, vai trò quan trọng trên cấp độ chung và cấp độ chuyên ngành. Nói một cách đơn giản nhất, triết học pháp luật chính là cách tiếp cận triết học các vấn đề pháp luật và các vấn đề nhà nước trong mối quan hệ với pháp luật. Ở nước ta, trong những năm gần đây đã bắt đầu có sự quan tâm nghiên cứu, bàn luận về triết học pháp luật. Tuy vậy, so với tầm vóc và ý nghĩa của bộ môn khoa học pháp lý này cũng như sự phát triển của nó trên thế giới, việc nghiên cứu ở nước ta về triết học pháp luật vẫn còn rất khiêm tốn, cả trong lý luận hàn lâm và lý luận giảng đường.

1. Ba con đường – ba cách thức – ba hướng cơ bản về tiếp cận pháp luật

Trong khoa học từ xa xưa đã hình thành nên ba con đường hay ba cách thức cơ bản về tiếp cận pháp luật, nhà nước: lý luận pháp luật, triết học pháp luật và xã hội học pháp luật. Đó cũng chính là ba hướng tiếp cận pháp luật cần được quan tâm triển khai ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Có làm được điều này thì chúng ta mới có thể khắc phục nhanh chóng được sự lạc hậu và chủ động tham gia hội nhập, trong đó có hội nhập về tư tưởng, về khoa học và đào tạo luật học. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm, ngoài ra còn một số cách tiếp cận khác về nhà nước, pháp luật như: tâm lý học pháp luật, kinh tế học pháp luật, nhân chủng học pháp luật v.v… Nhưng với tư cách là những cách thức, hướng tiếp cận có tính liên ngành, chung và cơ bản nhất vẫn là: triết học pháp luật, lý luận pháp luật và xã hội học pháp luật.

Read the rest of this entry »

 

Con đường công lý chông gai

Người ta bảo “con người nô lệ pháp luật là con người tự do”. Trong chế độ pháp quyền, nơi pháp luật minh bạch, dễ tiên liệu, tạo nên những chuẩn mực đáng tin cậy, con người sẽ đỡ run sợ trước cường quyền, thần thế và sức mạnh tiền bạc. Công lý được đảm bảo cho bất kỳ ai có lẽ vẫn chỉ là một giấc mơ, ở cả nước giàu lẫn nước nghèo. Tuy vậy nếu không sớm đặt những nền móng kiến tạo công lý thì mười năm sẽ trôi qua rất nhanh, hệ thống pháp luật giúp Nhà nước cai quản xã hội có thể phình nhanh, song dân tộc chúng ta không tiến xa trên con đường tiến tới chế độ pháp quyền.

Nhà kinh tế học nổi danh Milton Friedman khi nhìn lại hơn một thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường ở các nước XHCN trước kia đã bộc bạch rằng: “lời khuyên của tôi cho các quốc gia này chỉ gồm có ba chữ: tư nhân hóa, tư nhân hóa, tư nhân hóa(1)…nhưng tôi đã lầm. Hóa ra xây dựng một chế độ pháp quyền xem ra là một nền tảng còn quan trọng hơn cả tư nhân hóa”. Những thế hệ công dân thời chuyển đổi ở Liên Xô cũ và nhiều nước Đông Âu đã khó mà nhận ra quốc gia của họ sau hơn một thập kỷ thực hiện liệu pháp sốc theo lời khuyên của những người theo chủ nghĩa Tân tự do. Ông chủ đã thay khuôn mặt mới, song trong hoang tàn của nền pháp chế XHCN bị quên lãng, một trật tự của cường lực, tiền bạc và những đặc quyền mới được thiết lập. Một nền công lý đáng tin cậy với bất kỳ ai trở nên ngày càng xa vời.

Nhận biết cải cách thể chế cần cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thay vì hối thúc tư nhân hóa, các nhà tài trợ chuyển sang hỗ trợ xây dựng Nhà nước, hỗ trợ xây dựng các nền tảng của quản trị quốc gia và chế độ pháp quyền. Và tại Việt Nam, sự giúp đỡ từ bên ngoài đó cũng bắt gặp những nỗ lực nội tại nhằm xây dựng một trật tự xã hội được quản lý bằng pháp luật.

Read the rest of this entry »

 

Văn hoá pháp lý và nghệ thuật áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội

Văn hoá được hiểu là tất cả những gì, kể cả bản thân con người, do con người từ thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau thông qua lao động sáng tạo ra và xây dựng nên nhằm đáp ứng các nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần của mình. Mọi quốc gia, dân tộc đều có nền văn hoá riêng được xây dựng và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trong quá trình toàn cầu hoá, văn hoá chính là nền tảng để dân tộc Việt Nam hội nhập nhưng không hoà tan. Văn hoá pháp lý là một bộ phận hợp thành của nền văn hoá dân tộc và hàm chứa trong nó ba yếu tố: ý thức pháp luật; hệ thống pháp luật và trình độ, kỹ năng, nghệ thuật áp dụng pháp luật trong đời sống xã hội.

1.Ý thức pháp luật

Ý thức pháp luật thuộc lĩnh vực đời sống của con người. Cấu trúc của ý thức pháp luật bao gồm các yếu tố và mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng, như: trí tuệ pháp luật; tình cảm pháp luật và thói quen pháp luật.

1.1. Trí tuệ pháp luật

Trí tuệ pháp luật được thể hiện ở ba nội dung: nhận thức pháp luật; tri thức pháp luật; học thuyết pháp lý.

Nhận thức pháp luật của con người thể hiện ở trình độ hiểu biết nhiều hay ít, nông hay sâu về nội dung của các quy phạm pháp luật và quá trình điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội. Nhận thức pháp luật có thể phân biệt thành ba mức độ khác nhau: chưa nhận thức được; nhận thức chưa đầy đủ và nhận thức tương đối toàn diện. Trí tuệ của con người là không có giới hạn. Từ nhận thức chưa đầy đủ đến nhận thức ngày một rõ ràng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về pháp luật là con đường tất yếu con người phải trải qua. Nhận thức đúng về pháp luật là bảo đảm quan trọng cho mỗi người hành động đúng theo yêu cầu của pháp luật. Không nhận thức được pháp luật hoặc nhận thức sai lệch về pháp luật sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy, Nhà nước ta dành phần ngân sách đáng kể, sử dụng phương tiện vật chất, kỹ thuật và luôn kiên trì, bền bỉ để tổ chức giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho dân chúng.

Read the rest of this entry »

 

Giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em ở nước ta hiện nay

Trong sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, công tác giáo dục pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này, chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ việc giáo dục pháp luật cho trẻ em theo hướng lồng ghép giữa giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em. Thiếu các kỹ năng sống, thiếu những bài học chính khóa và ngoại khóa cùng các sinh hoạt xã hội sinh động, thiết thực về kỹ năng sống, về đạo đức gia đình, nhà trường và xã hội, trẻ em dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội và không biết cách tự bảo vệ mình.

Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ các quyền và vì sự phát triển của trẻ em. Để cho các quy định pháp luật về trẻ em đi vào cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi xâm phạm quyền trẻ em và các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức do trẻ em gây ra, có nhiều việc phải làm, đặc biệt là công tác giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống.

Trong xã hội, để cho con người tuân thủ pháp luật một cách tự giác thì cần làm cho họ hiểu được sự cần thiết và lợi ích xã hội của các quy định pháp luật. Từ đó hình thành thái độ tôn trọng pháp luật và định hướng cho các hành vi pháp luật của các cá nhân trong đời sống xã hội. Luật pháp muốn có hiệu lực, hiệu quả thì ngoài sức mạnh của công quyền, bằng cưỡng chế thì còn cần huy động cả sức mạnh của tư tưởng và của tinh thần, pháp luật phải được con người nhận thức như là cái cần thiết và có cơ sở, phải tạo niềm tin và sự kính trọng đối với pháp luật1. Đó cũng chính là mục đích, yêu cầu cơ bản của giáo dục pháp luật đối với mọi cá nhân nói chung và trẻ em nói riêng. Giáo dục pháp luật là một yếu tố có vai trò chủ đạo của quá trình hình thành ý thức pháp luật ở cá nhân con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”2. Việc giáo dục pháp luật nhằm mục đích cung cấp cho các cá nhân những tri thức pháp luật cần thiết, xây dựng tình cảm, thái độ tôn trọng và hành vi tích cực pháp luật trong cuộc sống hàng ngày. Read the rest of this entry »

 

Lệ Làng – phép vua ngẫm qua ngôi đình của người Việt

Đời sống xã hội của người Việt đã trải qua hàng nghìn năm, tổ chức xã hội của người Việt gắn liền với cộng đồng làng xã. Ở mỗi làng xã của người Việt cổ truyên có những công trình văn hóa hình thành và tổn tại lâu đời như Đình Làng, chùa làng, văn chỉ, quán…

Trong phạm vi bài viết nhỏ này chỉ đề cập đến một công trình kiến trúc phổ biến của cộng đồng người Việt gắn bó với đời sống người việt, mang những chức năng, đặc điểm phản ánh yếu tố lịch sử ,văn hóa, chính trị, pháp lý là nhân chứng của lịch sử chứng kiến sự phát triển thăng trầm của xã hội người việt đó chính là Đình làng.

Đình làng không biết có trong đời sống xã hội người Việt từ bao giờ nhưng khi được xây dựng ở làng quê Việt mang những chức năng và đặc điểm chung của nó.

Đình làng là chốn đình chung của cả làng nơi đó diễn ra các cuộc họp mà người họp là nam giới ở tuổi lên bô. Tại các cuộc họp này các bô bàn bạc và thống nhất giải quyết các công việc của làng theo các yêu cầu của nhà nước trung ương triển khai xuống hoặc các công việc của làng xã đặt ra. Hay nói cách khác là nơi diễn ra các cuộc họp bàn giải quyết các công việc chung của làng xã. Mang tính hành chính và tự quản của làng xã. Read the rest of this entry »