RSS

Category Archives: Câu Chuyện Pháp Luật

Chứng cứ luật sư thu thập thường bị xem nhẹ

Thực tiễn xét xử án hình sự, chỉ những chứng cứ về các tình tiết giảm nhẹ có xác nhận đầy đủ thì tòa mới chấp nhận, còn các chứng cứ liên quan đến việc định tội, định khung hình phạt mà luật sư đưa ra thường bị tòa xem nhẹ, vì sao?

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác yêu cầu hủy án để điều tra xác định lại độ tuổi của một bị cáo trong vụ án giết người. Theo tòa, yêu cầu hủy án của luật sư là “không có căn cứ”.

Bỏ công bỏ sức thành công cốc

Sau phiên xử, vị luật sư lắc đầu thở dài cho công sức bỏ ra thu thập chứng cứ không được xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc, đầy đủ. Ông kể khi bắt đầu tham gia vụ án, ông đã nhiều lần bỏ công về quê của bị cáo tìm hiểu và được biết đây là trường hợp khai sinh muộn sau hai năm. Ông đã thu thập nhiều giấy tờ pháp lý liên quan cùng lời khai của nhiều nhân chứng để chứng minh về khả năng bị cáo chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, tòa đã bác yêu cầu của ông mà lại không phân tích vì sao không chấp nhận chứng cứ ông đưa ra để chứng minh cho yêu cầu trên.

Vụ khác, tại phiên xử một nghi án giết người ở TAND huyện Bến Cát (Bình Dương) hồi đầu năm 2011, luật sư của phía nạn nhân đã đưa ra nhiều tài liệu mà ông thu thập được chứng minh rằng bị cáo sử dụng bằng lái xe máy giả để nộp cho công an sau khi xảy ra án mạng. Từ đó, luật sư đề nghị tòa khởi tố bị cáo thêm hành vi mua, sử dụng giấy phép lái xe giả. Trong phần thẩm vấn, bị cáo cũng thừa nhận rằng bằng lái đã nộp cho cơ quan điều tra là giả mạo. Tuy nhiên, khi tuyên án, tòa lại không chấp nhận đề nghị của vị luật sư vì “không có cơ sở xem xét”.

Thiếu cơ chế đảm bảo

“Không có căn cứ”, “không có cơ sở xem xét” là kết luận quen thuộc của các tòa mỗi khi bác yêu cầu của luật sư hay người tham gia tố tụng. Vấn đề là tại sao lại như vậy, vì sao không chấp nhận chứng cứ luật sư trình bày… thì rất ít tòa nào chỉ ra được để các luật sư tâm phục, khẩu phục.

Read the rest of this entry »

 

Góp ý sửa đổi Luật Luật sư: Hạn chế miễn thời gian đào tạo nghề

Một điều tra viên có thể giỏi trong điều tra hình sự nhưng các lĩnh vực khác thì làm sao rành rẽ để có thể hành nghề ngay?

Nên miễn thời gian đào tạo nghề luật sư cho những ai? Đối với nghề luật sư, uy tín và đạo đức nghề nghiệp có vai trò như thế nào? Đó là những vấn đề gây chú ý tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Luật sư do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vừa tổ chức.

Theo dự thảo sửa đổi Luật Luật sư, ngoài những người từng là cán bộ tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, rất nhiều đối tượng khác cũng được miễn thời gian đào tạo nghề như chấp hành viên, thừa phát lại, thanh tra viên chính, chuyên viên chính… làm trong lĩnh vực pháp luật từ năm năm trở lên, sĩ quan quân đội công tác trong lĩnh vực pháp luật từ 15 năm trở lên…

Không nên miễn tràn lan

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), việc liệt kê đối tượng được miễn thời gian đào tạo nghề như dự thảo là quá nhiều và mang tính… “mặt trận”. Giới luật sư đều muốn vị thế của mình được nâng cao, địa vị pháp lý được coi trọng thì bắt buộc họ phải khẳng định mình bằng việc đào tạo cơ bản. Tại sao khi họ muốn làm các chức danh tư pháp khác thì phải đào tạo khó khăn mà trở thành luật sư lại thông thoáng thế? Chưa kể nếu bị lạm dụng thì việc trở thành luật sư sẽ quá dễ dàng.

Từ đó, ông Long đề xuất phải siết chặt lại việc miễn thời gian đào tạo nghề luật sư. Chẳng hạn như điều tra viên, dù họ được đào tạo chuyên sâu để điều tra hình sự nhưng các lĩnh vực khác như chứng khoán, dân sự… thì làm sao họ rành rẽ? Hoặc như thẩm phán, kiểm sát viên buộc phải nghỉ việc vì cơ quan kỷ luật do vi phạm pháp luật (nhưng chưa đến mức xử lý hình sự) thì ưu tiên miễn thời gian đào tạo nghề và nhận họ làm luật sư ngay rõ ràng là không ổn.

Read the rest of this entry »

 

Luật sư tham gia tố tụng: Không cần cấp giấy?

Bản thân giấy chứng nhận bào chữa không có ý nghĩa gì nếu Hiến pháp đã xác định quyền được bào chữa của công dân là một trong các quyền cơ bản.

Ngày 10-5, tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Luật sư do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến đã đề nghị bỏ hẳn quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Mặt khác, thời gian đào tạo học chứng chỉ hành nghề nên rút ngắn hơn hoặc bỏ hẳn…

Theo dự thảo sửa đổi, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư được rút ngắn từ ba ngày xuống còn một ngày. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ luôn chứ rút ngắn thời gian cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Chỉ cần bị can đồng ý?

Về thực trạng cấp giấy chứng nhận bào chữa hiện nay, luật sư Phan Trung Hoài (đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận xét: “Rất phức tạp! Rất nhiều luật sư kêu ca bị làm khó bởi sau khi được thân nhân bị can nhờ, họ đến đề nghị cấp giấy thì cơ quan điều tra hẹn tới hẹn lui hoặc từ chối thẳng “Luật sư cứ về đi, bị can nói chưa cần luật sư”… Việc từ chối này rất mơ hồ bởi chỉ thông qua lời của điều tra viên, luật sư không được gặp trực tiếp bị can nên không thể biết ý chí thật của họ ra sao”.

Theo luật sư Hoài nên bỏ luôn quy định về việc cấp giấy chứng nhận bào chữa trong tố tụng hình sự. Luật sư Hoài nhấn mạnh: “Không có lý gì khi luật sư thực hiện quyền bào chữa của công dân được Hiến pháp quy định mà lại phải đi xin xỏ các cơ quan tố tụng. Vô lý quá! Ở các nước khác không hề có thủ tục cấp giấy như chúng ta”.

Kiểm sát viên Trần Ngọc Lãm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao tại TP.HCM) cũng cho rằng bản thân giấy chứng nhận bào chữa không có ý nghĩa gì nếu Hiến pháp đã xác định quyền được bào chữa của công dân là một trong các quyền cơ bản. Việc bản thân người dân tự bào chữa hay nhờ luật sư chỉ là hình thức thể hiện, còn luật sư bào chữa tốt hay không thì tùy thân chủ đánh giá. Do đó khi luật sư được nhờ thì chỉ cần có ý kiến của bị can là xong, không cần phải cơ quan tố tụng cấp giấy mới được bào chữa. Thực tế xét xử cho thấy việc cấp giấy chứng nhận rườm rà, ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Đã có những phiên xử phải hoãn chỉ vì lý do lãng xẹt là chờ luật sư được tòa cấp giấy cho đúng thủ tục…

Read the rest of this entry »

 

Xử người chưa thành niên: Còn sai sót

Pháp luật hình sự có nhiều quy định nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cơ quan tố tụng áp dụng sai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị can, bị cáo nhỏ tuổi.

Tháng 2-2009, Nguyễn Tấn Trọng Nhơn (hơn 17 tuổi) cùng hai đồng phạm đi giao heroin thì bị công ăn bắt quả tang. Trong quá trình điều tra, Nhơn khai nhận trước đó còn hai lần mua bán tổng cộng 28 tép heroin.

Phạt bổ sung sai luật

Tháng 3-2010, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, phạt Nhơn tám năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tòa còn áp dụng khoản 5 Điều 194 BLHS phạt bổ sung Nhơn 5 triệu đồng để sung công. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm về phần hình phạt bổ sung.

Theo VKSND Tối cao, việc tòa sơ thẩm phạt Nhơn tám năm tù là đúng pháp luật. Tuy nhiên, về hình phạt bổ sung, tòa phạt Nhơn 5 triệu đồng là vi phạm Điều 71 BLHS. Điều luật này quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Ngoài ra, khoản 5 Điều 69 BLHS cũng quy định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tháng 4-2011, Tòa Hình sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy phần quyết định hình phạt bổ sung trong án sơ thẩm và đình chỉ phần quyết định này.

Read the rest of this entry »

 

Có tiền án, không được làm luật sư?

Theo dự thảo sửa đổi Luật Luật sư, một số trường hợp từng bị kết án dù đã được xóa án tích cũng không được làm luật sư. Vấn đề này lại gây tranh cãi với hai luồng quan điểm trái chiều…

Theo dự thảo sửa đổi Luật Luật sư mới nhất, người “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích” thì không được hành nghề luật sư.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật) không đồng tình với hướng quy định cấm người đã từng bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, dù đã được xóa án tích làm luật sư vì “thiếu nhân văn”.

Không được cấm?

Theo ông Điện, pháp luật hình sự đã quy định người được xóa án tích thì coi như không có tiền án, coi như trong lý lịch của họ không có tì vết. Do vậy, một người đã được xóa án tích thì các nhà chức trách lẫn cả xã hội đều không được dùng tiền án đã được xóa để làm căn cứ cho bất kỳ đánh giá nào về họ.

Ông Điện cũng nhận xét quan điểm cho rằng nên cấm người từng bị kết án tham gia nghề luật sư vì đây là nghề đặc thù, đòi hỏi yêu cầu cao về mặt đạo đức… là không ổn. Bởi lẽ luật sư suy cho cùng cũng chỉ là một nghề như bao nghề nghiệp khác. Nếu áp đặt những quy tắc, tiêu chuẩn, điều kiện nào đó để xây dựng nghề luật sư như là một nghề đặc thù thì chỉ có thể áp đặt những quy tắc, tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn nghề nghiệp chứ không nên áp đặt những tiêu chuẩn về mặt đạo đức. Mọi nghề nghiệp đều phải đáp ứng yêu cầu về đạo đức, phải đứng trên một mặt bằng đạo đức chung. Không có nghề nào lại không có yêu cầu về đạo đức và cũng không có nghề nào có đạo đức hơn nghề khác. Quy định như vậy vừa vi phạm quyền con người vừa xung đột với pháp luật hình sự.

Read the rest of this entry »

 

Làm giảng viên kiêm luật sư, được không?

Việc dự thảo sửa đổi Luật Luật sư mới nhất cho phép người làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm thêm nghề luật sư đang gây rất nhiều tranh cãi.

Tại phiên họp cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Ủy ban Tư pháp đã cương quyết phản đối…

Chúng tôi đã ghi nhận được hai luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Giảng viên luật đồng tình

Theo TS Nguyễn Thanh Bình (Phó Trưởng khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn), nên cho phép đội ngũ giảng viên đang giảng dạy luật được làm luật sư vì ba lý do sau:

Thứ nhất, đội ngũ giảng viên luật có nền tảng kiến thức pháp luật tốt, có sự đầu tư, nghiên cứu pháp luật khá sâu, nếu được hành nghề luật sư thì đây sẽ là nguồn luật sư có trình độ.

Thứ hai, tuy rằng giảng viên luật có trình độ, kiến thức pháp luật nhưng chủ yếu đó cũng chỉ là kiến thức về mặt học thuật, lý luận, đa số còn thiếu kiến thức thực tiễn. Đó cũng là một nguyên nhân khiến giữa giảng dạy và học tập có khoảng cách nhất định. Nếu giảng viên kiêm nhiệm cả việc hành nghề luật sư thì những khiếm khuyết này sẽ được khắc phục. Công tác đào tạo nguồn pháp luật sẽ đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Thứ ba, đội ngũ luật sư đang thiếu về số lượng và trình độ pháp luật chưa cao, chưa đáp ứng các nhu cầu của xã hội, nhất là yêu cầu hội nhập quốc tế. Đội ngũ giảng viên luật tham gia hành nghề luật sư sẽ giúp đội ngũ luật sư nâng cao được chất lượng lẫn số lượng.

Read the rest of this entry »

 

Kết quả giám định chưa rõ, khó xử lý

Kết quả giám định mâu thuẫn, chưa rõ là một bất cập đang làm nhức đầu các cơ quan tố tụng. Nhiều chuyên gia cho rằng trong khi chờ cơ chế tháo gỡ thì các cơ quan tố tụng trung ương cần có hướng dẫn…

Chiều 6-12-2009, ông ĐNA ngụ TP Biên Hòa (Đồng Nai) chạy xe máy về đến trước cửa nhà thì gặp Đào Quốc Hưng ở nhà kế bên cũng vừa về đến. Hai bên nhìn nhau rồi cãi nhau vì ông A. nghi Hưng… chửi thầm mình. Cha mẹ của Hưng nghe tiếng ồn ào cũng đi ra cãi nhau với ông A. Quá trình xô xát, Hưng đã lấy cây sắt đánh nhiều cái vào người ông A. khiến ông bị thương ở đầu, phải đi cấp cứu…

Kết quả giám định “nhảy múa”

Theo kết quả của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai, tỉ lệ thương tật tạm thời của ông A. là 43% nên Công an TP Biên Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam Hưng. Sau đó, VKS TP Biên Hòa đã yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định lại. Kết quả giám định lần thứ hai của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) xác định tỉ lệ thương tật của ông A. là 16,67%. Không đồng ý, Hưng và gia đình đề nghị giám định lại. Giám định lần thứ ba, Viện Pháp y Quốc gia cho ra kết quả tỉ lệ thương tật của ông A. là 11%.

Dựa vào đó, công an đã ra kết luận điều tra bổ sung, đề nghị VKS truy tố Hưng về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS. Kết luận điều tra cũng xác định Hưng phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra.

Tuy nhiên, đến nay VKS TP Biên Hòa vẫn chưa thể ra cáo trạng truy tố Hưng vì ngoài chuyện có nhiều kết quả thương tật khác nhau thì bản kết luận giám định mới nhất cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Cụ thể, thương tích của nạn nhân gồm hai vết thương trên đầu và trên trán. Với vết thương trên đầu, bản kết luận giám định mới nhất xác định tỉ lệ thương tật là 3%. Nhưng ở các bản kết luận trước đó, vết thương này chỉ có 2%. Việc tỉ lệ thương tật của vết thương chỉ tăng chứ không giảm sau khi nạn nhân đã bình phục là điều không ổn.

Read the rest of this entry »

 

Giật hụt cũng là cướp

Cấp phúc thẩm cho rằng bị cáo giật tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát nên phạm vào tội cướp giật chứ không phải công nhiên chiếm đoạt…

Vừa qua, không đồng tình với bản án của tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Đặng Thanh Pháp về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, TAND TP.HCM tuyên hủy để điều tra, truy tố, xét xử lại theo hướng bị cáo phạm tội cướp giật tài sản.

Chỉ là công nhiên chiếm đoạt

Nội dung vụ án thể hiện, tối 10-6-2011, Pháp rủ một thanh niên chưa rõ lai lịch đi xem đua xe. Đến nơi, không có đua xe, cả hai quay về. Đang chạy, thấy một người đàn ông đứng bên lề đường nghe điện thoại, túi xách bỏ trên xe nên nhóm Pháp bàn bạc chiếm đoạt chiếc túi. Sau đó cả hai áp sát, giật túi nhưng do nạn nhân móc quai túi vào xe nên không lấy được. Cùng lúc, người đi đường phát hiện sự việc tri hô, rượt theo bắt được Pháp còn đồng phạm của Pháp thì chạy thoát.

Trong quá trình điều tra, công an xác định Pháp công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Mặc dù tài sản Pháp định chiếm đoạt chỉ có giá trị 280.000 đồng, chưa đủ định lượng để định tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nhưng do Pháp đã từng bị kết án liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm nên đã cấu thành tội danh trên. VKSND quận Tân Phú sau đó cũng đã ra cáo trạng truy tố Pháp theo khoản 1 của điều luật với khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù.

Xử sơ thẩm đầu tháng 11-2011, TAND quận Tân Phú nhận định Pháp lợi dụng lúc người bị hại vừa nghe điện thoại, vừa trông xe đã công khai lấy chiếc túi xách. Hành vi của Pháp đã phạm vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như viện truy tố. Hành vi phạm tội táo bạo, liều lĩnh, thể hiện ý thức xem thường pháp luật và quyết tâm phạm tội cao nên HĐXX quyết định tuyên phạt Pháp chín tháng tù.

Read the rest of this entry »

 

Đồng tiền kể chuyện

Đó là vụ án gây chấn động trong giới vé số dạo, xe ôm, bởi kẻ thủ ác đã nhằm vào họ để hãm hại.Hai bị cáo tên Phạm Thị Trung và Nguyễn Thị Gái, một bị kết án tử hình, một bị án chung thân về cùng các tội danh “giết người” và “cướp tài sản”.

1. Chuyện giết người

Trung thuê những người chạy xe ôm đi đường dài, hoặc tìm gặp những người bán vé số dạo nói rằng sẽ chỉ cho người bạn mua hết xấp vé. Trên đường đi Trung rủ rê họ vào quán nước. Lợi dụng nạn nhân lơ là, Trung bỏ thuốc độc vào ly nước giải khát của họ. Nạn nhân hôn mê, Trung liền lấy vé số, tiền và xe của họ. Trung bắt đầu làm việc bất lương này vào giữa tháng 3-2010, đến tháng 5 Trung rủ thêm Gái tham gia.

Chỉ trong vòng hai tháng, cả hai đã thực hiện 11 vụ án và gây ra hai cái chết thảm, thu lợi bất chính 60 triệu đồng.

Ngày tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm, người dân đến nghe xử rất đông. Những cái lắc đầu, tặc lưỡi thể hiện thái độ phẫn nộ của người nghe đối với hai bị cáo. Chúng tôi cũng nổi gai ốc về những gì mà các bị cáo làm. Xót xa nhất là khi nghe đến trường hợp cụ T.T.T., 65 tuổi, hoàn cảnh nghèo khó.

Từ Quảng Ngãi, cụ bươn chải vô Sài Gòn mưu sinh bằng việc bán vé số để đỡ đần con cháu nhưng không ngờ ngày đầu tiên, cũng là ngày cuối cùng bị Trung dùng thuốc mê thuốc chết, cướp sạch cả gia tài 540.000 đồng.Trung khai trước tòa rằng đầu năm 2010 do buồn chuyện gia đình nên chị ta đã lấy thuốc trừ sâu, thuốc ngủ, thuốc ho… trộn lại nấu sôi, uống tự tử, Trung bị vật vã chứ không chết.

Read the rest of this entry »