RSS

Category Archives: Tội Phạm Học

Cung cấp tài liệu về Tội Phạm Học

Quan điểm về tội phạm của một số nước trong bối cảnh toàn cầu hóa

Các quốc gia đều xác định tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực, các hoạt động tội phạm luôn đi ngược lại với lợi ích xã hội, gây ra thiệt hại cho xã hội. Trong mỗi thời kỳ khác nhau và trong mỗi giai đoạn khác nhau, tội phạm trong xã hội luôn có sự biến đổi cả về nội dung lẫn hình thức. Thế kỷ 21 đã xuất hiện những hình thức biến tướng mới của tội phạm. Vì vậy, nhận thức đầy đủ về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm luôn được các quốc gia ưu tiên quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Bài viết tổng hợp một số quan điểm mới về tội phạm và giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay của một số nước. 

1. Các quan điểm về tội phạm và giải pháp phòng, chống tội phạm ở Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa

a) Quan điểm về tội phạm

Phân tích các quan điểm về tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa của các quốc gia thuộc nhóm này, có thể rút ra một số kết luận:

Thứ nhất, tất cả các quốc gia này trong bối cảnh toàn cầu hóa đều không đề cập về bản chất giai cấp của tội phạm. Họ cho rằng, tội phạm chỉ là một hiện tượng xã hội tiêu cực, có quá trình phát sinh, tồn tại, phát triển và diệt vong. Vì nó mang bản chất tiêu cực luôn đe dọa và gây ra những thiệt hại cho xã hội, do vậy cần được quy định cấm trong luật hình sự để làm cơ sở đấu tranh loại trừ.

Thứ hai, các quốc gia này đều xác định, một người khi thực hiện một trong các hành vi nguy hiểm đã được ghi nhận trong Luật Hình sự thì mới bị coi là tội phạm. Điều này có nghĩa, tội phạm được xác định trên nguyên tắc: không có luật thì không có tội và “trong luật không có tội phạm thì không có hình phạt”.

Read the rest of this entry »

 

Phòng, chống tội phạm: Sửa luật để tăng hiệu quả

Các nhà hình sự học thường nói khoa học càng tiến bộ thì tội phạm càng tinh vi. Nhận xét này chỉ mới đề cập đến khía cạnh kỹ thuật của công tác phòng, chống tội phạm.

Chính cách tiếp cận xã hội học mới đem lại những góc nhìn sâu và mới, từ đó cho thấy tình hình tội phạm ở nước ta hết sức đáng lo ngại.

Tình hình tội phạm hình sự ở nước ta đang gia tăng nghiêm trọng cả về số lượng và tính chất. Người ta dễ thấy tội phạm về con người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người dân, tội phạm về sở hữu làm tổn thất thu nhập và tài sản của xã hội. Tuy nhiên, tác hại của tội phạm còn đáng quan ngại hơn dưới lăng kính xã hội học.

Tăng chi phí xã hội, giảm chất lượng sống

Trước hết là phí tổn hữu hình và vô hình của xã hội. Tội phạm nghiêm trọng đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường nhân lực và phương tiện phòng, chống. Nếu có số liệu cụ thể để so sánh chi phí phòng, chống tội phạm của Nhà nước hiện nay với 10 năm trước thì chắc chắn sẽ có sự gia tăng rất lớn. Nhà cửa, xe cộ, công sở, tiệm quán phải xây dựng và trang bị an toàn hơn, nghĩa là tốn kém hơn. Sự đi lại, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí của người dân sẽ phải thận trọng, cảnh giác, nghĩa là hạn chế hơn. Số lượng người bị giết, gây thương tích, môi trường bị tàn phá, nạn ma túy, tệ tham nhũng, ngoài những tác hại tức thời, hiện hữu cũng để lại những hậu quả xã hội sâu sắc và lâu dài về nhiều mặt.

Các nhà hình sự học đã từng báo động về tình trạng tội phạm hóa một bộ phận dân số. Khi đã có tiền án, thậm chí chỉ là tiền sự, trong điều kiện ở nước ta hiện nay, khả năng cải tạo và tái hòa nhập tương đối thấp. Điều này dẫn đến hậu quả: Tỉ lệ tái phạm sẽ càng cao và càng nghiêm trọng hơn. Càng nhiều người phạm tội, xã hội càng có nhiều tội phạm.

Read the rest of this entry »

 

Kinh nghiệm trong phối hợp truy tố, xét xử các vụ án về mua bán người – kiến nghị và đề xuất

1. Tình hình tội phạm về mua bán người và công tác xét xử

Mua bán người là một vấn nạn có tính toàn cầu và đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại trên phạm vi toàn thế giới. Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người là một hiện tượng chỉ mới xuất hiện khoảng hơn một chục năm trở lại đây, song tính đa dạng và phức tạp cũng như những hậu quả nghiêm trọng mà loại tội phạm này gây ra cho nạn nhân, gia đình xã hội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và lo ngại sâu sắc của Nhà nước và cộng đồng. Trong những năm trước, mua bán người chỉ xảy ra ở một số tỉnh, thành phố thì nay đã lan rộng ra nhiều khu vực khác trong cả nước và hình thành nhiều đường dây tổ chức hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế.

Qua công tác xét xử, tội phạm mua bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Nạn nhân của loại tội phạm này phần lớn là phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài đến nhiều nước khác nhau, còn lại số phụ nữ và trẻ em bị mua bán ở trong nước chủ yếu từ các vùng nông thôn, miền núi ra thành phố, thị xã để làm gái mại dâm và bị bóc lột dưới nhiều hình thức khác. Có thể nói tình hình mua bán người ở Việt Nam trong những năm gần đây đang diễn biến rất phức tạp và đáng lo ngại.

Trong nước, nhất là các tỉnh giáp biên giới phía Bắc và miền Tây Nam bộ như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… Theo báo cáo, thống kê của các Toà án địa phương, chỉ tính riêng trong năm 2006 số vụ án mua bán người đã bị truy tố và đưa ra xét xử tăng 36% về số vụ; 58% số bị cáo so với cùng kỳ năm trước (riêng Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai, số vụ án mua bán người đã được đưa ra xét xử tăng 53% số vụ, 76% số bị cáo; Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu xét xử tăng 50% số vụ, 71% số bị cáo).

Trước tình hình đó, Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan tư pháp ở trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương nhận thức đúng tính chất và yêu cầu cấp bách của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người; áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, khẩn trương phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử kịp thời nghiêm minh các hành vi phạm tội.

Read the rest of this entry »

 

Các khái niệm tội phạm và tình hình tội phạm trong tội phạm học

Tội phạm là khái niệm pháp lí và là khái niệm khoa học. Khái niệm này dùng để chỉ tất cả những hành vi được luật hình sự quốc gia hoặc quốc tế xác định mà chủ thể thực hiện phải chịu biện pháp cưỡng chế nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt.

Tất cả những hành vi bị coi là tội phạm đều có cùng bản chất xă hội và những đặc điểm nhất định. Trước hết, tội phạm là hiện tượng xă hội tồn tại trong mọi quốc gia, được phản ánh trong luật hình sự vì trái với chuẩn mực xă hội ở mức cao nhất so với các hiện tượng lệch chuẩn khác. Nó là hiện tượng xă hội-pháp lí.

Tội phạm không chỉ là hiện tượng xă hội được phản ánh trong luật hình sự mà đồng thời cũng là hiện tượng xă hội được nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu, trong đó có khoa học luật hình sự và tội phạm học. Khoa học luật hình sự và tội phạm học đều là khoa học về tội phạm. Tuy nhiên, khoa học luật hình sự và khoa học luật tố tụng hình sự là khoa học về tội phạm có tính pháp lí, còn tội phạm học và khoa học điều tra tội phạm là khoa học về tội phạm không có tính pháp lí (1) hay nói cách khác là khoa học về tội phạm hiện thực.

Khoa học luật hình sự và tội phạm học tuy cùng nghiên cứu về tội phạm nhưng mỗi ngành đều có nội dung mục đích nghiên cứu cũng như phương pháp nghiên cứu riêng về đối tượng này. Theo đó, trong một số ngôn ngữ tồn tại hai khái niệm khác nhau được dùng trong hai ngành khoa học này. Ví dụ: Trong tiếng Đức, khái niệm Kriminalität được dùng trong tội phạm học còn khái niệm Straftat được dùng trong luật hình sự.(2) Trong tiếng Việt cũng như trong một số ngôn ngữ khác, chỉ có một khái niệm được dùng cả trong khoa học luật hình sự và tội phạm học. Khoa học luật hình sự nghiên cứu tội phạm theo nghĩa là nghiên cứu hiện tượng bị pháp luật coi là tội phạm ở các nội dung chính sau:

Read the rest of this entry »

 

Tọa đàm về một số thuật ngữ tội phạm học

Được phép của Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 8/4/2009, Tạp chí Luật học phối hợp với Trung tâm tội phạm học thuộc Khoa luật hình sự tổ chức buổi tọa đàm về một số thuật ngữ tội phạm học. Tham dự buổi tọa đàm có các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về tội phạm học ở Việt Nam như: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Phó tổng biên tập Tạp chí Luật học; GS.TS. Đỗ Ngọc Quang – Viện trưởng Viện nghiên cứu tư vấn chính sách, pháp luật và phát triển; GS.TS. Hồ Trọng Ngũ – Uỷ ban quốc phòng an ninh của Quốc hội; PGS.TSKH. Lê Cảm – Giám đốc Trung tâm luật hình sự, tội phạm học – Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn – Giám đốc nhà xuất bản Tư pháp; PGS.TS. Lê Thị Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Thư kí toà soạn Tạp chí Luật học; TS. Nguyễn Ngọc Chí – Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Văn Tỉnh – Viện nhà nước và pháp luật, Viện khoa học xă hội Việt Nam.

Mở đầu, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà, chủ tọa buổi tọa đàm đă nêu rõ: Mục đích của cuộc tọa đàm là tập trung làm rõ thực tế sử dụng một số thuật ngữ trong tội phạm học hiện nay ở nước ta, không đi sâu trao đổi về nội dung chi tiết của các khái niệm, thuật ngữ. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học cùng nhau trao đổi để có thể thống nhất được cách sử dụng một số thuật ngữ khoa học của tội phạm học. Trong trường hợp không đạt được sự thống nhất thì các nhà khoa học cũng cho ý kiến về việc chấp nhận các cách sử dụng khác nhau về thuật ngữ khoa học nào đó.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hoà cũng hướng cuộc tọa đàm vào các vấn đề chính sau:

Read the rest of this entry »

 

Phương pháp dạy và học môn Tội phạm học tại trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh

I. NHẬN ĐỊNH CHUNG

Những năm vừa qua, tại ĐH Luật TP.HCM, môn Tội phạm học là một nội dung đào tạo được thiết kế trong chương trình đào tạo bậc cử nhân. Tội phạm học là môn học chung mang tính bắt buộc đối với cả hai loại hình đào tạo: hệ chính qui và hệ vừa học vừa làm. Những kiến thức cơ bản tích lũy được từ môn học này được coi là rất quan trọng và cần thiết đối với một cử nhân luật khi ra trường. Thời lượng của môn học trên lớp là 60 tiết (4 đơn vị học trình) đối với các lớp chính qui chuyên ngành Hình sự và 45 tiết (3 ĐVHT) với các lớp không chuyên và hệ vừa học vừa làm; song hiện nay số giờ trên lớp của cả hai hệ đào tạo đều được qui định như nhau là 45 tiết (3 ĐVHT) và không bố trí giờ thảo luận như đối với các môn học khác.

Từ thực tiễn của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập môn Tội phạm học tại ĐH Luật TP.HCM suốt thời gian vừa qua, chúng tôi nhận thấy nổi lên một số vấn đề sau cần được quan tâm, nghiên cứu và giải quyết triệt để:

Thứ nhất, nội dung chương trình của môn học có nhiều điểm còn chưa phù hợp với yêu cầu của người học, chưa đáp ứng được một cách hiệu quả hoạt động thực tiễn hiện nay.

Thứ hai, phương pháp giảng dạy Tội phạm học trong nhà trường vẫn chưa kết hợp được giữa phương pháp truyền thống với những phương pháp hiện đại có sự ứng dụng của công nghệ thông tin nên hiệu quả truyền tải kiến thức chưa cao, thậm chí dễ gây ra sự đơn điệu, kém hứng thú của người học đối với một bộ môn mà thời lượng của những kiến thức lý luận thường chiếm một tỷ trọng lớn xuyên suốt chương trình.

Read the rest of this entry »

 

Trách nhiệm phòng ngừa tội phạm của Viện kiểm sát nhìn từ góc độ cải cách tư pháp

Viện kiểm sát nhân dân là một trong các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước, có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Viện kiểm sát nhân dân có vị trí và vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ sở lý luận và thực tiễn

Để phòng ngừa tội phạm có hiệu quả, đòi hỏi Viện kiểm sát phải thực hiện một cách chính xác và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình trong tố tụng hình sự. Vì vậy theo ý kiến chúng tôi, nếu xem xét dưới giác độ vai trò, trách nhiệm pháp lý thì hoạt động phòng ngừa tội phạm của Viện kiểm sát nhân dân về cơ bản phải được thực hiện theo hai hướng chủ yếu: Một là, thông qua các công tác để thực hiện chức năng; hai là phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa với các chủ thể khác. Đây là vấn đề mà hiện nay chưa có sự nghiên cứu, tổng kết về mặt lý luận.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng việc phân biệt hai hướng hoạt động như vậy cũng chỉ theo một ý nghĩa tương đối, vì trong khi thực hiện chức năng của mình đương nhiên Viện kiểm sát nhân dân đã phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và ngược lại, trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa với các chủ thể khác cũng đòi hỏi các Viện kiểm sát nhân dân phải dựa trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của pháp luật.

Ở hướng hoạt động phòng ngừa tội phạm thông qua các công tác để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp áp dụng các biện pháp pháp lý có tác dụng quan trọng góp phần tích cực vào việc ngăn chặn tội phạm, hạn chế hậu quả thiệt hại do tội phạm gây ra, kiềm chế, đẩy lùi và từng bước làm giảm tội phạm, khắc phục những nguyên nhân và điều kiện của từng loại tội phạm cũng như tình hình tội phạm trong xã hội.

Read the rest of this entry »

 

Bàn về khái niệm nạn nhân của tội phạm

Việc làm rõ khái niệm nạn nhân của tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng cả trong lí luận cũng như trong thực tiễn xây dựng các biện pháp, chính sách đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

 

1. Danh từ nạn nhân thường được sử dụng để chỉ những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Trong Từ điển tiếng Việt, từ nạn nhân được định nghĩa: “Người bị nạn hoặc người phải chịu hậu quả của một tại họa x hội hay một chế độ bất công“.(1) Trong Đại từ điển tiếng Việt, từ nạn nhân được định nghĩa: “1. Người bị tai nạn; 2. Người, tổ chức gánh chịu hậu quả từ bên ngoài đưa đến“.(2)

Theo các định nghĩa trên thì nạn nhân được hiểu là những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc tài sản. Nạn nhân bao gồm rất nhiều loại như nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của thiên tai, nạn nhân bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân tự tử, nạn nhân của tội phạm… Trong các loại nạn nhân kể trên thì nạn nhân của tội phạm là dạng nạn nhân đặc biệt.

Như chúng ta đã biết, hành vi phạm tội luôn gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Để gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội này, hành vi phạm tội đã tác động gây thiệt hại cho một số cá nhân, tổ chức. Các cá nhân, tổ chức này là những nạn nhân của tội phạm. Nạn nhân của tội phạm được định nghĩa như sau: Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại, gây ra những thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác.(3)

Read the rest of this entry »

 

Đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế

Những loại tội phạm nguy hiểm nào sẽ nổi lên khi Việt Nam gia nhập WTO? Cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp gì để ngăn chặn sự phát triển của chúng, làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do chúng gây ra, góp phần đưa công cuộc đổi mới đến thắng lợi?… Đó là những thử thách mà những người được nhân dân giao phó nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và sự bình yên cho đất nước phải tâm huyết và nỗ lực tìm được câu trả lời xác đáng.

Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức và đã đạt được nhiều kết quả góp phần giữ vững được an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Dự báo trong những năm tới, tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động xuyên quốc gia ở nước ta sẽ còn diễn biến phức tạp. Các tổ chức tội phạm sẽ vẫn tiếp tục hoạt động với những vỏ bọc đa dạng, phương thức hoạt động và hành vi che giấu tội phạm tinh vi, xảo quyệt hơn, gây khó khăn cho công tác phát hiện và điều tra.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, một số loại tội phạm mang tính quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng theo quy luật, đó là: các tội phạm cướp có vũ trang, cướp các nhà băng, các xe chuyển tiền, bắt cóc người thân của các tỉ phú để đòi tiền chuộc, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, lừa đảo bằng tín phiếu giả, gian lận thương mại và lừa đảo trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, tội phạm rửa tiền, sản xuất và lưu hành tiền giả, buôn bán ma túy, buôn lậu quốc tế với sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức tội phạm của người nước ngoài với các băng nhóm tội phạm là người Việt Nam. Điều cần cảnh giác các tổ chức tội phạm quốc tế sẽ trà trộn vào đội ngũ của những nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn, thậm chí cả các đoàn ngoại giao để xâm nhập vào nước ta nhằm thực hiện tội phạm hoặc chỉ huy các đối tượng đang ở Việt Nam thực hiện tội phạm. Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang là một thách thức lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Read the rest of this entry »