RSS

Khi tôi tuyên án tử hình- Bài 1: Người tử tù và chiếc áo mẹ may

11 Th8
Tài không xin một bữa cơm, một xị rượu hay một con gà quay… như nhiều tử tội khác. Cậu ta nhìn thất thần vào mắt ông thẩm phán, chủ tịch Hội đồng Thi hành án tử hình, nói như van xin: “Cho tôi được mặc chiếc áo của chính mẹ tôi may tặng!” .

Tuyên án tử hình luôn là một quyết định khó khăn và ám ảnh các thẩm phán. Tước đi sinh mệnh của một người đã khó, phía sau họ còn bao nhiêu mối quan hệ, tình cảm, nghĩa vụ với vợ con, gia đình. Tuyên án tử hình thể hiện sự công bằng nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự răn đe, quy luật vay trả theo nhân quả. Tuy nhiên, án tử hình cũng có thể là dấu chấm cho những ước mơ, khát vọng của thân nhân, gia đình bị án.

Loạt bài sẽ đề cập đến điều đó và góp phần lý giải: Các thẩm phán đã vượt qua sức ép ấy như thế nào để thực thi công lý?

Ông Trần Hùng Dũng, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, không giấu được vẻ bần thần trước khi bắt đầu câu chuyện tuyên án tử hình. Với ông, những lần tuyên án tử hình đã để lại những dấu ấn trong lòng về nỗi đau của con người. Có một nỗi ân hận bám riết ông, dằn vặt lương tâm ông. Nó luôn thức dậy giày vò ông mỗi khi ai đó hay một hoàn cảnh nào đó gợi nhớ đến chuyện sinh ly tử biệt.

Phút ân hận

Hôm đó vào chiều tối, thằng Tài vừa về tới nhà (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) đã nghe những người hàng xóm báo lại rằng bà T. vừa qua nhà đòi nợ và mắng nhiếc mẹ Tài một trận dữ dội. Thấy mẹ mình vẫn đang tức tưởi khóc vì tủi nhục, Tài nổi máu anh hùng rơm, vác dao đi tìm bà T. (ở cách nhà Tài vài trăm mét). Tài gọi cửa, bà T. vừa mở cửa, chưa kịp nói lời nào thì bị Tài thọc con dao vào người, gục chết tại chỗ.

Chánh án Trần Hùng Dũng nhớ lại: “Vụ án này xảy ra năm 1993, tôi làm chủ tọa. Với tính chất giết người côn đồ như thế, Tài bị hội đồng xét xử quyết định mức án tử hình. Lúc tôi tuyên án tử hình Tài, mẹ nó vật vã rồi ngất đi. Khoảnh khắc ấy tôi có chút xao lòng vì cảm thông với một người mẹ sắp mất con. Nhưng tâm trạng ấy cũng sớm qua đi vì hành động tội ác của Tài quá mức côn đồ, đáng bị loại khỏi cuộc sống, làm gương cho xã hội. Thế nhưng chuyện sau đó, khi tôi làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình Tài, tôi đã vướng một thiếu sót mà ân hận mãi đến nay”. Ông Dũng thuật lại thời khắc đáng nhớ đó trong một tâm trạng nặng nề.

Theo quy định, trước khi bị đưa lên bệ bắn, Tài được ban một ân huệ là nói lên yêu cầu sau cùng của mình. Tài không xin một bữa cơm, một xị rượu hay một con gà quay… như bao tử tù khác. Cậu ta nhìn thất thần vào mắt ông Dũng, nói như van xin: “Cho tôi được mặc chiếc áo của chính mẹ tôi may tặng!”. Sau vài giây nghĩ ngợi, ông Dũng lạnh lùng từ chối, Tài bị dẫn giải lên bệ bắn.

Khi xác của Tài được đưa vào quan tài, ông Dũng đích thân lấy chiếc áo đó bỏ vào theo. Ông Dũng trầm giọng, nói trong ngập ngừng, xúc động: “Khi rời khỏi pháp trường, tôi mang một tâm trạng nặng nề, nghe rõ một sự bứt rứt trong lòng. Tôi ân hận vì sao không nói với cậu ấy rằng cậu cứ ra đi, tôi sẽ để chiếc áo này vào quan tài cho cậu”. Ngưng một lúc, ông Dũng thở dài nói tiếp: “Làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình, tôi luôn ý thức tranh thủ thực hiện nhanh nhất các thủ tục pháp lý để tử tù không phải bị kéo dài thời khắc khổ sở ấy. Sự gấp gáp đó khiến tôi thiếu bình tĩnh, xử lý tình huống không được vẹn toàn. Khi nghe Tài yêu cầu được mặc chiếc áo của mẹ lúc xử bắn, tôi nghẹn ở cổ. Tôi chỉ kịp nghĩ chiếc áo ấy thật quý và nó vô tội. Tôi từ chối cậu ấy vì muốn bảo vệ chiếc áo khỏi phải mang những vết đạn xuyên qua, rồi tôi sẽ để vào hòm cho cậu ấy. Thế mà tôi đã không nói điều đó!”. Mãi đến bây giờ, mỗi khi nhìn thấy một chiếc áo mới màu trắng hay một đám tang mà kẻ tóc bạc khóc người đầu xanh là ông Dũng lại nhớ về câu chuyện đau lòng đó.

Chạnh lòng

Năm 1994, ông Dũng tiếp cận hồ sơ một vụ án giết người tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu. Tỉnh ủy Minh Hải (được chia ra thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu hiện nay) lúc bấy giờ xác định đó là vụ án điểm, đưa ra xử lưu động.

Tội phạm trong vụ án này là Nguyễn Văn H., quê Hồng Dân. Trong một lần đi ăn trộm, hắn bị hai đứa bé tám và 10 tuổi phát hiện. Hắn đã thẳng tay giết chết hai đứa bé để bịt đầu mối rồi bỏ trốn. Trước khi trốn, hắn về nhà mang đứa con trai út mới bốn tuổi theo cùng. Trốn được hơn một tuần thì hắn bị bắt về quy án.

Phiên tòa được mở lưu động tại trung tâm huyện Hồng Dân. Hôm ấy, gần như toàn dân của huyện này kéo về xem phiên xử. Người ta muốn được nhìn tận mắt tên bạo ác và muốn chứng kiến tòa án thực thi công lý như thế nào. Thẩm phán Trần Hùng Dũng ngồi chủ tọa trong bộ vest đen uy nghiêm.

Lúc bị cáo H. được đưa ra vành móng ngựa, dân chúng nhốn nháo, một vài quả cà chua thối được liệng vào người tên H. cùng tiếng hô: “Tử hình nó đi, đồ tàn ác!”. Ông Dũng điềm tĩnh điều hành phiên xử sau khi cảnh sát dàn xếp trật tự.

Tội ác của H. được tòa vạch tận gốc với những bằng chứng và lập luận không thể nào chối cãi. Theo đó, biết vợ chồng chủ nhà đang đi làm ruộng, chỉ có hai đứa bé đang ngủ trong nhà, H. đột nhập với ý đồ trộm số tiền vừa mới bán lúa của chủ nhà. Bé gái 10 tuổi bỗng thức giấc, phát hiện và hô lên. Hắn lấy dao dọa, bé gái càng hoảng, định bỏ chạy thì bị hắn chộp lại. Tiếng la của bé gái khiến bé trai tám tuổi thức dậy. Và hai đứa bé đã bị hắn giết bằng cách lấy gối bịt vào mặt cho đến khi chúng bất động, tắt thở.

Bị cáo H. không chối tội, anh ta nói lời sau cùng: “Dù có bị tuyên mức án cao nhất, bị cáo không ân hận. Chỉ xin bà con tha thứ, đừng làm khó vợ con bị cáo. Xin hãy đối xử với vợ con bị cáo bình thường như khi bị cáo chưa phạm tội!”.

30 phút nghị án qua đi, chủ tọa Trần Hùng Dũng dõng dạc đọc bản tuyên án. Ông nhớ lại: “Thói quen của tôi là khi tuyên xong phần quan trọng nhất thì dừng lại một chút để quan sát thái độ của công chúng. Lần đó cũng vậy, khi tuyên “tử hình đối với bị cáo Nguyễn Văn H.” thì tôi dừng lại để quan sát. Một tràng vỗ tay thể hiện thái độ đồng tình rất lớn với phán xét của tòa. Trong rừng người đang hò reo nhốn nháo ấy, tôi thấy một phụ nữ ngất đi, ngoẻo đầu lên thành ghế. Bên cạnh chị ta là đứa bé bốn tuổi, đứa con trai mà bị cáo đã ẵm theo lúc lẩn trốn. Nó đang ngấu nghiến cái bánh lá dừa với đôi mắt thật hồn nhiên!”. Hình ảnh đó khiến vị chủ tọa chạnh lòng. Và phần tuyên sau đó của ông Dũng cứ nghèn nghẹn như sắp khóc.

Kỳ vọng lớn nhất của ông Dũng sau hàng chục lần tuyên án tử hình là đừng ai vướng tội đến mức phải bị xử tử hình nữa cả.

Cũng như nhiều thẩm phán khác, ông Trần Hùng Dũng có quan niệm rằng diệt trừ tội ác là một trong những việc làm góp phần bảo vệ cái thiện. Ông chưa bao giờ thấy tiếc nuối, thấy đau lòng vì xót thương cho những tử tội mà đích thân ông đọc bản tuyên án tử hình. “Cái chết của họ có giá trị kiềm chế cái ác, bảo vệ cái thiện trong xã hội. Nhưng bên lề những phiên tòa tuyên án tử luôn có những chuyện não nề. Có lần đang đọc bản tuyên án, tôi nhìn thấy một hình ảnh ứa nước mắt, suýt làm rơi bản án khỏi tay” – ông Dũng kể.

Ngẫm lại những vụ án có mức án tử hình mà chính mình là người thực thi pháp luật, ông Dũng đúc kết: “Người chết thì yên phận, chỉ sau vài giây đau đớn. Nhưng đằng sau cái chết đó là những số phận đáng thương. Những người mẹ mất con, vợ mất chồng. Và nao lòng nhất là những đứa bé mồ côi cha”.

Trần Vũ

Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

 

1 responses to “Khi tôi tuyên án tử hình- Bài 1: Người tử tù và chiếc áo mẹ may

  1. Huyền267

    29.09.2011 at 8:44 chiều

    Chỉ khổ cho những ai ở lại……

     

Bình luận về bài viết này