RSS

Phạm vi chủ thể của tội phạm trong Bộ luật hình sự năm 1999 và một số vấn đề cần chú ý trong công tác điều tra hình sự

22 Th7

1. Những thay đổi về kinh tế – xã hội của đất nước tất yếu sẽ tác động lớn đến quá trình tội phạm hóa – phi tội phạm hóa một số hành vi trong luật hình sự, làm thay đổi một cách đáng kể tới kết cấu của (BLHS) – văn bản có tính pháp điển hóa cao nhất của ngành luật này. BLHS năm 1999 là kết quả của sự kế thừa, phát triển BLHS năm 1985 một cách toàn diện, căn bản, phù hợp với những thay đổi về kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Sự tách, gộp một số chương; việc bổ sung một số tội mới trong BLHS năm 1999 làm thay đổi phạm vi chủ thể của tội phạm so với trước đây. Sự thay đổi này diễn ra theo hai hướng: Một là, thu hẹp phạm vi chủ thể, điều này xảy ra do sự kết cấu lại hoặc gộp một số chương với nhau, nhất là sự thay đổi trong chính sách hình sự đối với loại chủ thể đặc biệt – người chưa thành niên. Hai là, mở rộng phạm vi chủ thể, điều này xảy ra do việc hình sự hóa một số loại hành vi mà trước đây BLHS năm 1985 chưa quy định. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập việc quy định thêm một số loại tội phạm mới trong BLHS năm 1999 và tác động của nó đối với thực tiễn công tác điều tra tội phạm ở giai đoạn hiện nay.

2. Trong luật hình sự, chủ thể của tội phạm là 1 trong 4 yếu tố của CTTP, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định năng lực TNHS của công dân. Trong tố tụng hình sự, những vấn đề có liên quan đến chủ thể tội phạm được coi là một trong những đối tượng chứng minh của các vụ án hình sự mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án phải thu thập chứng cứ để làm rõ. Trong thực tiễn điều tra hình sự, bị can – tên gọi của chủ thể tội phạm ở giai đoạn này là đối tượng đấu tranh trực tiếp của hoạt động điều tra. Những đặc điểm cụ thể của bị can là cơ sở quan trọng để cơ quan điều tra xác định chiến thuật đấu tranh với đối tượng nói riêng, sử dụng các phương tiện, biện pháp và phương pháp điều tra làm rõ vụ án nói chung một cách có hiệu quả nhất. Khi vấn đề phạm vi chủ thể trong BLHS thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi về phạm vi bị can cũng như đặc điểm cụ thể của loại đối tượng này. Điều đó tất yếu dẫn đến sự cần thiết phải điều chỉnh cách thức điều tra nói chung, đấu tranh với các bị can của các tội mới được quy định trong BLHS nói riêng cho phù hợp. Đây có thể coi là ý nghĩa chung, chủ yếu của việc nghiên cứu làm rõ sự thay đổi về phạm vi chủ thể của tội phạm trong BLHS năm 1999 đối với thực tiễn điều tra hình sự.

Xét cụ thể, việc nghiên cứu vấn đề này có một số ý nghĩa riêng sau đây đối với thực tiễn điều tra hình sự:

Thứ nhất, việc nghiên cứu làm rõ sự thay đổi về phạm vi chủ thể của tội phạm là cơ sở để xác định lại những trường hợp cần khởi tố, điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm hoặc khởi tố cả những trường hợp không đúng quy định của pháp luật. So với BLHS năm 1985, một số trường hợp trước đây phải khởi tố vụ án hình sự nay theo quy định của BLHS năm 1999 thì không được khởi tố (ví dụ, liên quan đến sự thay đổi về tuổi chịu TNHS, việc loại bỏ một số tội cụ thể khỏi BLHS năm 1999…). Ngược lại, một số hành vi trước đây BLHS năm 1985 không coi là tội phạm thì nay trong BLHS năm 1999 lại coi là tội phạm (ví dụ, tội phạm vi tính, tội phạm môi trường, quảng cáo gian dối…). Những quy định mới này là cơ sở định hướng cho việc xác định những trường hợp cần thiết hay không cần thiết phải khởi tố, điều tra trong thực tiễn đối với một số trường hợp cụ thể.

Thứ hai, việc nghiên cứu, làm rõ sự thay đổi về phạm vi chủ thể của tội phạm trong BLHS năm 1999 là cơ sở cho việc xác định sự cần thiết phải xây dựng mới phương pháp điều tra riêng đối với một số loại tội phạm trước đây chưa được quy định trong BLHS năm 1985. Chính thực tế nêu trên đòi hỏi phải khẩn trương nghiên cứu bản chất của các hành vi này; dựa trên cơ sở của phương pháp luận phát hiện, điều tra, phòng ngừa tội phạm nói chung và kinh nghiệm điều tra các loại tội phạm tương tự ở các quốc gia có kinh nghiệm đấu tranh với các loại tội phạm đó để xây dựng phương pháp điều tra đối với các loại tội phạm mới được quy định trong BLHS năm 1999.

Thứ ba, việc nghiên cứu làm rõ sự thay đổi về phạm vi chủ thể trong BLHS năm 1999 là cơ sở cho việc xác định sự cần thiết phải kịp thời trang bị mới các phương tiện kĩ thuật hình sự cho các cơ quan điều tra, giám định nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình hiện nay. Để giải quyết có hiệu quả nhiệm vụ điều tra đối với các loại tội phạm mới được quy định trong BLHS năm 1999, không chỉ cần xây dựng mới hệ thống lí luận về phương pháp điều tra mà phải bổ sung kịp thời những phương tiện kĩ thuật hình sự phục vụ công tác phát hiện, điều tra, phòng ngừa các loại tội phạm mới đó và nhất là các phương tiện kĩ thuật phục vụ công tác giám định để làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác điều tra làm rõ các loại tội phạm này như vấn đề về ô nhiễm môi trường, ma tuý, tài chính, vi tính…

Thứ tư, việc nghiên cứu, làm rõ sự thay đổi về phạm vi chủ thể là cơ sở xác định sự cần thiết phải bổ sung, nâng cao tri thức cho các điều tra viên về những vấn đề có liên quan đến các loại tội phạm mới như bản chất của các hành vi này, cách thức phát hiện, điều tra, phòng ngừa đối với các loại tội phạm đó.

3. Khi tiến hành điều tra các tội mới được quy định trong BLHS năm 1999 cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:

– Nhìn chung, các tội phạm thuộc chương “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm danh dự của con người” ổn định. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, do sự giao lưu kinh tế – xã hội giữa Việt Nam và các nước, phạm vi chủ thể của các tội ở chương này đã được mở rộng bởi sự xuất hiện của một số tội phạm mới. Đó là tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 117); tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118). Các tội này được quy định trong BLHS nhằm góp phần ngăn chặn đại dịch AIDS đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Chủ thể của tội lây truyền HIV cho người khác là chủ thể đặc biệt (là người bị nhiễm HIV). Còn chủ thể tội cố ý truyền HIV cho người khác là chủ thể thường.

Khi điều tra các vụ án về tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 117) cần tiến hành giám định để xác định có phải bị can là đối tượng bị nhiễm HIV hay không, lỗi, thủ đoạn làm lây truyền HIV của bị can. Khi hỏi cung các bị can đó cần chú ý đến đặc điểm tâm lí đặc trưng của bị can để lựa chọn chiến thuật đấu tranh phù hợp. Với những đối tượng thường có tâm lí bi quan, bất cần hoặc muốn “trả thù đời” này cần phải quan tâm thiết lập và duy trì mối quan hệ giao tiếp tâm lí suốt quá trình điều tra nói chung và hỏi cung nói riêng. Những thủ thuật tác động tâm lí thường sẽ có hiệu quả hơn so với các thủ thuật khác. Đối với các tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118), trong quá trình điều tra cần chú ý thu thập chứng cứ để làm rõ lỗi, động cơ, mục đích của bị can, thủ đoạn gây án, mối quan hệ của bị can và người bị hại. Nhìn chung, khi điều tra hai loại tội phạm này, cơ quan điều tra phải cố gắng làm rõ hoàn cảnh thực hiện tội phạm, thủ đoạn gây án và cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan giám định, nhất là giám định pháp y.

– Trong chương “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” phạm vi chủ thể được mở rộng do xuất hiện một số tội phạm mới. Cụ thể: Tội đăng kí kết hôn trái pháp luật (Điều 149), tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152).

Trong quá trình điều tra 2 loại tội phạm mới này, cần chú ý thu thập chứng cứ về công việc được giao của bị can; mối quan hệ của bị can và người bị hại; tình trạng tài chính của bị can… để làm rõ bị can có phải là người có trách nhiệm trong việc đăng kí kết hôn (Điều 149) hoặc có nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152) nhưng đã không thực hiện đúng trách nhiệm đó hay không? Thủ đoạn cụ thể? Đặc biệt, cần làm rõ lỗi của họ khi thực hiện những hành vi này. ở cả hai trường hợp trên, lỗi của bị can đều phải là lỗi cố ý.

– Do đặc thù của nền kinh tế thị trường, xuất hiện nhiều hành vi nguy hiểm xâm phạm trật tự quản lí kinh tế vì vậy, tại chương “Các tội xâm phạm trật tự quản lí kinh tế“, BLHS năm 1999 quy định thêm 4 tội mới gồm: Tội quảng cáo gian dối (Điều 168); tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (Điều 169); tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178); Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (Điều 179).

Khi điều tra các tội quảng cáo gian dối (Điều 168) cần trưng cầu giám định để làm rõ chất lượng thực sự của hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo để chứng minh sự gian dối của người sản xuất hoặc kinh doanh đã quảng cáo. Ngoài ra, cần thu thập lời khai của những người đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo để củng cố chứng cứ, làm rõ hành vi gian dối của bị can.

Đối với các tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ (Điều 169) cần nghiên cứu, so sánh, đối chiếu hành vi của bị can với các quy định về việc phân phối tiền, hàng được sử dụng cho mục đích cứu trợ cho những vùng bị thiên tai, lũ lụt, mất mùa, dịch bệnh để xác định lỗi của bị can trong việc vi phạm các quy định này, tạo cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của bị can.

Đối với 2 tội mới xâm phạm hoạt động đúng đắn của tổ chức tín dụng (Điều 178, Điều 179), cần chú ý chủ thể ở đây là chủ thể đặc biệt. Khi điều tra cần làm rõ lỗi của bị can, tính chất và hình thức vi phạm. Đối với các vụ án này, cần trưng cầu giám định kế toán – tài chính để thu thập và củng cố chứng cứ.

– Do tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng trầm trọng, nhiều doanh nghiệp và cá nhân chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không chú ý đến việc bảo vệ môi trường nên BLHS năm 1999 quy định riêng một chương (chương XVII – “Các tội phạm về môi trường“) với 8 tội danh cụ thể nhằm ngăn chặn và trừng trị những hành vi làm huỷ hoại môi trường sống trong lành của con người. Khi điều tra các loại tội phạm này, cần chú ý dấu hiệu đặc trưng là “đã bị xử phạt hành chính” để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Đồng thời, cần đối chiếu với những quy định của Nhà nước về độ an toàn, ô nhiễm cho phép để xác định có hay không có dấu hiệu của tội phạm. Do đặc điểm các loại tội phạm thuộc chương XVII BLHS liên quan rất chặt chẽ đến các tiêu chuẩn kĩ thuật, tri thức chuyên ngành hẹp nên khi khám nghiệm hiện trường cần mô tả đầy đủ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh hiện trường, sơ đồ hiện trường các loại phương tiện, máy móc đang sử dụng; tình trạng của chúng; ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh, biểu hiện cụ thể… và nên mời các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực tương ứng tham gia để hoạt động này đạt hiệu quả cao. Trước khi hỏi cung bị can, cần dành thời gian thoả đáng để nghiên cứu các tài liệu, các chỉ số kĩ thuật chuyên ngành liên quan để tránh lúng túng do không hiểu đúng thuật ngữ chuyên ngành, kiến thức liên quan dẫn đến việc không tạo được sự tôn trong cần thiết từ phía bị can – những người nắm vững các tri thức nói trên. Trong quá trình điều tra các vụ án đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra và giám định khoa học – kĩ thuật là hết sức cần thiết.

– Đối với chương “Các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng“, BLHS năm 1999 đưa vào 6 loại tội phạm mới: Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 206); tội đua xe trái phép (Điều 207); tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có (Điều 251); tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học (Điều 224); tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử (Điều 225); tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính (Điều 226).

Khi điều tra các tội tổ chức đua xe trái phép và đua xe trái phép (các Điều 206, 207 BLHS) cần nghiên cứu kĩ những thông tin được phản ánh trong biên bản phạm tội quả tang, biên bản bắt người. Đồng thời, cần chú ý xác định đúng phạm vi người làm chứng của vụ án, lấy lời khai của những người này về mọi tình tiết có liên quan đến vụ việc như những người tham gia, thái độ, lời nói, hành vi của từng người; diễn biến của vụ việc để có cơ sở đấu tranh với bị can trong các cuộc hỏi cung.

Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có (tội này còn có tên gọi khác là “tội rửa tiền“) là hành vi cố ý che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của những khoản tiền thu được từ hoạt động phạm tội. Chủ thể của tội phạm trên bao gồm cả người có tiền đem đi “rửa” và người tiếp tay cho người “rửa tiền” (cán bộ ngân hàng nhận tiền gửi mà biết đó là “tiền bẩn”. Khi điều tra loại tội phạm này, cần chú ý thu thập chứng cứ về thủ đoạn rửa tiền của bị can và cả những thông tin để làm rõ nguồn gốc của những đồng tiền bất hợp pháp của họ nhằm tìm ra đầu mối của các hành vi phạm tội mà do việc thực hiện nó họ có được khoản tiền bất hợp pháp nêu trên. Đối với cán bộ ngân hàng, cần làm rõ lỗi của họ để việc quy tội được chính xác.

Đối với các tội phạm vi tính (các điều 224, 225, 226 BLHS), nên phân công những cán bộ điều tra không chỉ nhiều kinh nghiệm điều tra mà phải nắm vững quy trình vận hành, sử dụng, khai thác máy vi tính điều tra vụ án. Trong quá trình điều tra, nên sử dụng sự giúp đỡ của các chuyên gia vi tính và chú ý tổ chức thực nghiệm điều tra để xác định khả năng tay nghề đặc biệt của đối tượng, nhất là trong các vụ án “tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virút tin học” (Điều 224 BLHS) khi còn nghi ngờ khả năng tay nghề của bị can và cho rằng trong vụ án còn có sự tham gia của các đồng phạm khác.

4. Việc điều chỉnh chính sách hình sự của Nhà nước, đặc biệt là việc thay đổi về phạm vi chủ thể của tội phạm theo hướng mở rộng, tác động không nhỏ đến thực tiễn điều tra hình sự. Để nâng cao hiệu quả của công tác điều tra trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhiều loại tội phạm mới đã được quy định trong BLHS năm 1999 và điều đó đồng thời có nghĩa đã xuất hiện nhiều loại bị can với những đặc điểm nhân thân, phương thức, thủ đoạn gây án chưa được nghiên cứu làm rõ trong phương pháp điều tra truyền thống, theo chúng tôi phải kịp thời giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:

– Phải kịp thời tuyên truyền, cập nhật cho các điều tra viên của cơ quan điều tra những thay đổi về nội dung, kết cấu của BLHS năm 1999, nhất là những thay đổi về phạm vi chủ thể của tội phạm và tác động của nó đối với thực tiễn điều tra hình sự như đã trình bày ở trên.

– Phải kịp thời mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn cho các điều tra viên của các cơ quan điều tra về phương pháp phát hiện, điều tra, phòng ngừa các loại tội phạm mới, nhất là các kĩ năng thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, hỏi cung bị can trong các vụ án liên quan đến các loại tội phạm mới được quy định trong BLHS năm 1999.

– Các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy cần kịp thời biên soạn các tài liệu, giáo trình mới cho phù hợp với thay đổi của BLHS năm 1999 làm cơ sở lí luận cho hoạt động điều tra hình sự trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Đặc biệt, cần có kế hoạch tham khảo kinh nghiệm điều tra các loại án mới xuất hiện trong thực tiễn điều tra hình sự Việt Nam từ các quốc gia có truyền thống, nhiều kinh nghiệm đấu tranh với các loại tội phạm này.

 ThS. Bùi Kiên Điện

Theo : Tạp chí Luật học số 04 (2000)

 

 

Bình luận về bài viết này