RSS

Người làm công lấy tài sản của chủ, tội gì mới đúng?

09 Th3

Được chủ tin tưởng giao tài sản nhưng người làm công lại chiếm đoạt. Có ý kiến cho rằng phải xử tội lạm dụng tín nhiệm nhưng cũng có ý kiến cho rằng phải xử tội trộm cắp do thực hiện hành vi một cách lén lút.

Vụ án liên quan đến Nguyễn Thị Kim Anh chiếm đoạt tài sản có giá trị 4,8 triệu đồng của người chủ, cho đến nay tòa và VKS một huyện ở tỉnh Quảng Bình đang tranh cãi về tội danh, chưa rõ Kim Anh phạm tội trộm cắp hay tội lạm dụng…

Ôsin lén lấy sữa

Theo hồ sơ, cuối năm 2011, Kim Anh xin làm công cho nhà chị H. Do nhà vừa để ở vừa làm cửa hàng mua bán hàng nên chị H. thuê rất nhiều người làm phụ giúp. Kim Anh được giao cùng với một người làm công khác trông coi việc mua bán hàng, chiều tối nấu ăn cho cả nhà. Làm được một thời gian, Kim Anh lợi dụng những lúc người làm công đi vệ sinh đã lấy thùng sữa tươi nhiều nhãn hiệu khác nhau đem ra ngoài. Ngày 19-1, khi Kim Anh đang lén đưa hai thùng sữa thì bị phát hiện. Tại cơ quan điều tra, Kim Anh khai nhận lấy 16 thùng sữa (giá trị gần 4,8 triệu đồng).

Xử tội lạm dụng tín nhiệm…

Mới đây TAND TP.HCM vừa tuyên y án chín tháng tù đối với Nguyễn Vân Anh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì xét không có tình tiết gì mới để giảm nhẹ cho bị cáo.

Theo hồ sơ, Vân Anh là nhân viên kiêm người giúp việc của một quán karaoke. Thấy Vân Anh tính tình hiền lành, chất phác nên bà chủ giao nhà cho Vân Anh trông coi và quản lý tài sản. Vì thiếu tiền tiêu xài, Vân Anh đã lấy chiếc xe tay ga, máy tính xách tay của chủ bỏ trốn…

Tiếp nhận hồ sơ, VKS cho rằng Kim Anh phạm tội trộm cắp tài sản. Thế nhưng phía tòa án lại bảo bị cáo có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm… Chị H. đã tin tưởng giao tài sản cho Kim Anh quản lý, nay Kim Anh lấy tài sản đem ra ngoài bán là phản bội lại lòng tin của chủ.VKS bảo vệ quan điểm, Kim Anh đã lén lút thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ. Chị H. có giao tài sản cho Kim Anh quản lý nhưng không có nghĩa là chuyển giao quyền sử dụng hay chiếm hữu hay được lấy tài sản đó. Kim Anh chỉ có trách nhiệm bảo quản tài sản mà chủ nhà giao mà thôi. Vì thế, hành vi chiếm đoạt của Kim Anh thực hiện một cách lén lút là dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản.

Khi có sự bội tín là lạm dụng

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3, VKSND Tối cao), để xem xét xử lý về tội danh nào, nhận định phải dựa trên tính chất của tài sản chiếm đoạt và địa điểm để tài sản nơi đâu. Tính chất của tài sản ở đây có thể hiểu tài sản đó là tài sản chìm hay nổi. Tài sản chìm (người có tài sản có ý cất giấu) đó là tiền bạc, tư trang vàng vòng được cất giữ trong két sắt… Người làm công không được chủ giao quản lý, giữ giúp nên việc chiếm đoạt tài sản này (chỉ được thực hiện bằng cách lén lút) là cấu thành tội trộm cắp. Còn đối với những loại tài sản nổi như xe cộ, máy tính, điện thoại để trong nhà giao cho người giúp việc trông coi, quản lý mà người này chiếm đoạt thì hành vi trên là lợi dụng lòng tin của chủ lấy tài sản, cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm.

Theo ông Thêm, lạm dụng theo luật cũ có nghĩa là bội tín. Có thể hiểu là thông qua một giao kết cụ thể nào đó (bằng hợp đồng bằng miệng hoặc văn bản), tài sản được giao hợp pháp cho một bên cất giữ, quản lý. Khi đang có tài sản một cách hợp pháp, bên cất giữ lại chiếm đoạt một phần hoặc tất cả thì sẽ cấu thành tội lạm dụng.

Đồng tình, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) phân tích việc định tội danh trong những trường hợp người làm công chiếm đoạt tài sản của chủ phải dựa trên tình tiết cụ thể của từng vụ án để xác định, không thể máy móc, rập khuôn. Trộm cắp là lén lút chiếm đoạt tài sản. Hành vi lén lút này là nhằm tránh chủ sở hữu phát hiện. Còn việc cáo buộc tội lạm dụng là trong trường hợp tài sản được chủ tin tưởng giao cho người làm công một cách hợp pháp để quản lý trông coi rồi bị chiếm đoạt. Chẳng hạn, giao tiền cho người làm công đi trả tiền hàng nhưng người làm công lấy tiền bỏ đi luôn là lạm dụng chứ không thể xác định là trộm cắp tài sản được.

Họ đã nói

Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can,bị cáo

Trong những trường hợp ôsin chiếm đoạt tài sản của chủ, tôi nghiêng về phía xử lý theo tội trộm cắp. Bởi theo luật định, căn cứ để buộc tội lạm dụng thì phải chứng minh bằng được người thực hiện hành vi phạm tội có thủ đoạn gian dối trong việc chiếm đoạt tài sản mà người chủ đã tin tưởng giao cho quản lý, trông coi. Về tội trộm cắp thì đặc trưng là sự lén lút khi chiếm đoạt tài sản trong lúc người chủ sở hữu vô ý hay sơ hở trong việc trông coi, quản lý tài sản của họ. Đồng thời, theo nguyên tắc, có lợi cho bị can, bị cáo thì nên áp dụng tội danh có mức hình phạt nhẹ cho họ, đó là tội trộm cắp.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Việc định tội phải dựa trên nhiều yếu tố

Để định tội danh cho một hành vi phạm tội phải dựa trên dấu hiệu đặc trưng pháp lý cụ thể của tội danh và hành vi khách quan của nó. Hành vi khách quan ở đây là thời gian, không gian, địa điểm, hoàn cảnh khi thực hiện… Và hành vi đó có phù hợp với ý thức nghĩa là động cơ, mục đích chiếm đoạt của người phạm tội hay không. Tuy nhiên, có những trường hợp luật buộc người phạm tội phải ý thức được hành vi của mình. Vì thế việc định tội danh phải được xác định tùy theo tình tiết cụ thể của từng vụ án.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

Hoàng Yến

 Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online
 
2 bình luận

Posted by trên 09.03.2012 in Luật Hình Sự

 

2 responses to “Người làm công lấy tài sản của chủ, tội gì mới đúng?

  1. Nguyễn Hữu Toản

    10.03.2012 at 6:24 chiều

    Theo tôi ở vụ án này Kim Anh phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 138) vì: “Kim Anh được giao cùng với một người làm công khác trông coi việc mua bán hàng”. Ở đây, Kim Anh được giao “trông coi việc mua bán hàng” tức là thực hiện hoạt động kinh doanh cho chị H chứ không phải là thực hiện việc “trông coi tài sản”. Đồng thời “Kim Anh lợi dụng những lúc người làm công đi vệ sinh đã lấy thùng sữa tươi nhiều nhãn hiệu khác nhau đem ra ngoài” tức là lợi dụng lúc chủ tài sản (bà H) không có ở đó hoặc lợi dụng lúc những người làm công khác không có ở cửa hàng để thực hiện hành vi của mình và đó là hành vi lén lút chứ không phải là lạm dụng tín nhiệm.
    Do đó, tội phạm mà Kim Anh thực hiện là tội trộm cắp tài sản chứ không phải là tội lừa đảo.

     
  2. Hạ Nguyễn

    12.11.2014 at 7:44 sáng

    Từ tháng 8/2005 đến tháng 12/2005, ông Lê Duy N (chủ cơ sở sản xuất rượu D.N) đã nhiều lần vay của bà S tổng cộng 375 triệu đồng. Theo thỏa thuận, lãi suất vay là 6%/tháng và đến đầu năm 2006 ông N phải trả cả lãi lẫn vốn. Sau đó, ông N dùng giấy tờ đất của người khác thế chấp cho bà S, đồng thời làm hợp đồng chuyển nhượng 1.400m2 đất mà ông N đã đem thế chấp ngân hàng để cấn trừ nợ. Phát hiện được việc làm gian dối, bà S tố cáo ông với cơ quan chức năng. Sau khi tiến hành điều tra, Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
    Hãy bình luận về quyết định khởi tố của cơ quan điều tra?

     

Gửi phản hồi cho Hạ Nguyễn Hủy trả lời