RSS

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự Những vướng mắc từ lý luận và thực tiễn khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định

01 Th11
Việc quyết định hình phạt sẽ thực sự phát huy tác dụng, đúng như mong muốn của nhà làm luật một khi nó tuân thủ các nguyên tắc luật định, đồng thời phù hợp với thực tế điều kiện, hoàn cảnh phạm tội. Chính vì thế, Bộ luật Hình sự (BLHS) đã thiết lập một chế định mềm dẻo cho phép khi quyết định hình phạt, Toà án có thể cho người bị kết án hưởng một hình phạt nhẹ hơn luật định.

1. Về chế định Quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định

Là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội, hình phạt mang lại những hiệu quả nhất định không những trong việc trừng trị người phạm tội mà còn có vai trò to lớn trong việc cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội, ngăn ngừa họ phạm tội mới và đồng thời, giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, góp phần đấu tranh phòng và chống tội phạm.Việc quyết định hình phạt sẽ thực sự phát huy tác dụng, đúng như mong muốn của nhà làm luật một khi nó tuân thủ các nguyên tắc luật định, đồng thời phù hợp với thực tế điều kiện, hoàn cảnh phạm tội. Chính vì thế, Bộ luật Hình sự (BLHS) đã thiết lập một chế định mềm dẻo cho phép khi quyết định hình phạt, Toà án có thể cho người bị kết án hưởng một hình phạt nhẹ hơn luật định. Quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định là một chế định quan trọng trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tuy nhiên nó được quy định tương đối ít trong BLHS (Điều 47). Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, việc quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định cũng còn gặp những vướng mắc nhất định cần tháo gỡ, xuất hiện những bất cập trong quy định của BLHS cần phải xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự của nhà nước nói chung và pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng, từ quan điểm cho rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt về hình sự, mặc dù là rất quan trọng trong việc bảo vệ pháp chế, củng cố trật tự pháp luật, song không phải là biện pháp duy nhất mà đòi hỏi “ngày càng mở rộng các biện pháp tác động xã hội khác để đấu tranh phòng và chống tội phạm” [1]. Mặt khác, nó còn để thực hiện phương châm trong đường lối xử lý tội phạm và người phạm tội của nhà nước ta, đó là “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”, “trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo”.

Khi pháp điển hóa lần thứ nhất pháp luật hình sự Việt Nam bằng việc thông qua BLHS năm 1985, quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định đã được ghi nhận chính thức, nhưng nó vẫn được quy định chung cùng với những tình tiết giảm nhẹ tại một điều của Bộ luật (Điều 38). Tương tự như vậy, lần pháp điển hoá thứ hai pháp luật hình sự bằng việc thông qua BLHS năm 1999, các quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định cũng đã được sửa đổi, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện, mà cụ thể nó đã được ghi nhận tại một điều luật riêng  trong Phần chung (Điều 47). Tuy nhiên, lần pháp điển hóa thứ hai vừa qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về mặt lập pháp đối với chế định này. Chẳng hạn, cả BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 vẫn chưa làm rõ được thế nào là quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) – ngoài quy định tại khoản 1 Điều 46 – có giá trị như thế nào trong khi quyết định một hình phạt nhẹ hơn luật định. Mặt khác, trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cho thấy, những quy phạm của chế định này còn nhiều bất cập, một số quy định chưa chặt chẽ về nội dung và chưa thống nhất, đặc biệt trong thực tiễn đời sống xã hội và thực tiễn pháp lý đang tồn tại vấn đề là tại sao lại quy định chỉ được quyết định hình phạt trong khung hình phạt nhẹ hơn liền kề, trong khi các chế định khác như miễn hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự còn mang lại hậu quả pháp lý có lợi hơn nhiều cho người phạm tội thì trên thực tế cơ sở để áp dụng cũng tương tự như cơ sở khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định. Điều đó cho thấy những bất hợp lý, không cân đối trong luật hình sự thực định.

Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu sâu sắc hơn nữa để làm sáng tỏ về mặt khoa học các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định và vấn đề áp dụng trong thực tiễn, đồng thời đưa ra những giải pháp hoàn thiện các quy định của chế định này, cũng như nâng cao hiệu quả của việc áp dụng những quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định không những có ý nghĩa lý luận – thực tiễn và pháp lý quan trọng, mà còn là vấn đề mang tính cấp thiết.

2. Những vướng mắc về lý luận

Điều 47 của BLHS năm 1999 quy định: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi trong bản án”.

Quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định là một trong những biện pháp của luật hình sự thể hiện nguyên tắc nhân đạo, công bằng. Một loạt các biện pháp khác thể hiện hai nguyên tắc này như: miễn TNHS, án treo, miễn hình phạt, các quy định về các trường hợp loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi… Như số liệu thống kê ở trên cho thấy, có xấp xỉ 50% số vụ án đã xét xử là có quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, trong khi đó chế định án treo ít gặp hơn nhiều, miễn hình phạt thì càng ít. Một biện pháp thường được sử dụng như thế và về hậu quả pháp lý cũng như kết quả thực tế của quyết định hình phạt dưới khung không có lợi cho người bị kết án bằng các biện pháp khác (như án treo). Nhưng điều kiện để được áp dụng quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định dường như lại chặt chẽ hơn chế định án treo.

Nếu so sánh quy định tại Điều 60 (án treo) với một số quy định trong BLHS có tính chất làm nhẹ TNHS thì có thể thấy chưa có sự cân đối giữa án treo và các quy định khác. Vô hình trung nhà làm luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án áp dụng một chế định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội là án treo, trong khi đó lại ràng buộc nhiều đối với những quy định khác. Điều 47 của BLHS quy định về việc Toà án quyết định hình phạt dưới khung hoặc chuyển sang một loại hình phạt khác nhẹ hơn thì tối thiểu phải có hai tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS trở lên và nếu quyết định hình phạt dưới khung thì cũng chỉ được phép nằm trong khung giảm nhẹ liền kề. Điều 47 quy định số lượng tối thiểu các tình tiết giảm nhẹ TNHS phải có nhưng ở điều 60 không quy định và cũng không bắt buộc là phải có ít nhất bao nhiêu các tình tiết giảm nhẹ TNHS nằm trong khoản 1 Điều 46 của BLHS. Điều 60 đã trao cho Toà án quyền tự định đoạt đối với bị cáo mà không có những cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, độc lập với ý thức chủ quan của Thẩm phán. Hậu quả pháp lý cũng như kết quả (sản phẩm) thực tế của án treo nhìn chung là có lợi cho người bị kết án nhiều hơn khi họ chỉ được hưởng một hình phạt dưới khung. Thực tế đa số trường hợp bị cáo phải chấp hành hình phạt tù, tuy có dưới khung khi áp dụng Điều 47, cho nên thời hạn để tính xoá án tích là lớn hơn án treo, và họ còn phải chấp hành hình phạt ở trại giam, cách ly với xã hội, trong khi đó người hưởng án treo thì không bị cách ly.

Như thế, quy định các điều kiện để được áp dụng quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định là chưa cân đối với một số quy định khác cùng tính chất làm giảm nhẹ TNHS của bị cáo.

Nhắc lại nguyên tắc công bằng: trên mức độ lập pháp hình sự, thông qua việc quy định tội phạm (tội phạm hoá hoặc phi tội phạm hoá), nguyên tắc công bằng đòi hỏi pháp luật hình sự phải phản ánh được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong đó có những quan điểm, quan niệm khác nhau về lẽ công bằng, về cách đánh giá tội phạm và hình phạt trong dư luận. Chúng ta vẫn đòi hỏi một hình phạt phải tương xứng với tội phạm, nhưng khi thiết kế quy định quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định, các nhà làm luật đã bó việc quyết định hình phạt chỉ trong khung hình phạt nhẹ hơn liền kề, làm cho nguyên tắc công bằng không thực hiện được ở đây. Tức là quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định chưa thể hiện đúng tinh thần nguyên tắc công bằng.

3. Vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Toà án

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao quy định quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định là để cho thẩm phán linh hoạt khi ra một bản án sao cho hình phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết của vụ án, nhưng nhà làm luật lại “lo sợ” thẩm phán quá linh hoạt?

Một hình phạt chỉ được coi là công bằng khi nó xác định được sự tương xứng giữa loại và mức hình phạt với mức độ nghiêm trọng của hành vi, với nhân thân người phạm tội và với tất cả những tình tiết khách quan và chủ quan liên quan đến trường hợp phạm tội này. Vì vậy, nếu vi phạm nguyên tắc công bằng thì không có một bản án hình sự đúng đắn. Thiếu công bằng trong quyết định hình phạt xảy ra trong cả hai trường hợp: bản án hoặc là nặng hơn, hoặc là nhẹ hơn mức cần thiết. Có thể nói rằng, cả hai xu hướng đều hiện hữu trong thực tiễn xét xử và vì vậy cần phải có biện pháp để khắc phục.

Chúng tôi cho rằng, việc “quá linh hoạt” của thẩm phán khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định không thể chỉ dùng quy định của luật hình sự là đủ. Quy định như luật hiện hành đã làm thiệt cho bị cáo chứ không mang lại nhiều tác dụng hạn chế sự “quá tay” của thẩm phán. Bởi vì, đáng lẽ bị cáo còn được giảm nhẹ hình phạt hơn nữa, nhưng luật đã khống chế mức tối đa, điều đó sẽ làm cho bị cáo đặt câu hỏi về sự công bằng. Bên cạnh đó, sự khống chế này ít nhiều cũng không động viên được người phạm tội tự giác cải tạo với ấn tượng họ đã không được đối xử công bằng.

Những năm gần đây, việc quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định không còn tình trạng quyết định mà không có tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS nữa (năm 2000, 2001 và 2002 tại Toà án nhân dân tỉnh N có tới 38 vụ). Nhưng quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định mà chỉ có một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS cũng vẫn gặp nhiều. Từ năm 2000 đến năm 2005 tại Toà án nhân dân tỉnh N đã xét xử sơ thẩm có tới 221 vụ chỉ có một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS trên tổng số 807 vụ xét xử nhẹ hơn luật định, chiếm tỷ lệ 27,38%. Trên một phần tư số vụ án có quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định chỉ có một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS và vẫn được công nhận trên thực tế. Việc công nhận những bản án như vậy (hiện nay là vi phạm Điều 47 BLHS) thể hiện rằng yêu cầu về một sự đối xử công bằng vẫn được đề cao. Dư luận xã hội chấp nhận, các Toà án chấp nhận làm cho giá trị thực tiễn về khống chế điều kiện giảm nhẹ hình phạt không còn nhiều tác dụng. Đồng thời, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và việc làm của thẩm phán khi quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định thể hiện một điều là nếu chỉ có một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS vẫn nên cho bị cáo hưởng quy định tại Điều 47 của BLHS.

Có nhiều trường hợp rất đáng được giảm nhẹ hình phạt hơn nữa, nhưng vướng quy định hiện hành ở Điều 47 làm cho Toà án không tuyên được một bản án phù hợp.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử trong thời gian qua, có một số trường hợp Toà án không thực hiện đúng quy định tại Điều 47 của BLHS mà đã “xé rào”, áp dụng cả mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Ví dụ: Nguyễn Văn H. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 139 của BLHS với vai trò giúp sức; không được đồng bọn chia tiền; phạm tội vì bị đồng bọn đe dọa; khi bị bắt đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực giúp cơ quan công an phát hiện, điều tra tội phạm; bản thân bị cáo là thương binh hạng 2/4, là con liệt sỹ chống Pháp đang phải phụng dưỡng bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nên Toà án chỉ phạt H. 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Nếu căn cứ vào Điều 47 và Điều 139 của BLHS thì việc Toà án phạt bị cáo Nguyễn Văn H. 3 năm tù là không đúng, vì mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của khoản 4 Điều 139 của BLHS cũng là 7 năm. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, nếu Toà án phạt Nguyễn Văn H. 7 năm tù rõ ràng là không thoả đáng. Nhiều vụ án có liên quan đến lĩnh vực khác như hoàn thuế giá trị gia tăng; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; đưa hoặc nhận hối lộ… có bị cáo chỉ giữ vai trò giúp sức, không được hưởng lợi và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đáng được khoan hồng nhưng bị giới hạn của Điều 47 của BLHS nên phải chịu hình phạt nghiêm khắc quá mức, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện. Do đó, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, xem xét lại quy định tại Điều 47 của BLHS cho phù hợp với thực tiễn xét xử [2]. Nhưng, cũng có những trường hợp không có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, ví dụ: vụ Phạm Thị L phạm tội tham ô tài sản XHCN, bị đưa ra xét xử năm 2002 theo điểm c khoản 3 Điều 133 của BLHS năm 1985, sửa đổi năm 1992, có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 38 “thật thà khai báo”. Toà án đã nhận xét: bị cáo lần đầu phạm tội, khai báo thành khẩn, có quá trình tham gia công tác xã hội; mặt khác cần vận dụng tinh thần có lợi của mức án thấp nhất theo khoản 3 Điều 133 của BLHS năm 1985 (sửa đổi năm 1992) để chiếu cố giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt. Toà án đã tuyên phạt Phạm Thị L 6 năm tù, giảm 108 tháng so với mức thấp nhất của khoản 3 Điều 133. Hình phạt này dưới khoản 3 Điều 133 và nằm trong khoản 1 Điều 133. Như thế, Toà án đã vận dụng chính sách hình sự để xử có lợi cho bị cáo, vì theo luật hiện hành (năm 2002) không được phép xử dưới hai khung.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định

4.1. Hoàn thiện pháp luật hình sự:

– Về tên gọi của điều luật (Điều 47 của BLHS): Theo chúng tôi nên gọi là “Quyết định hình phạt trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS”. Như thế vừa rõ ràng, vừa có sự tương thích với một số trường hợp quyết định hình phạt khác, như quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

– Việc quy định có tối thiểu 2 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS mới được quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định là không cần thiết, chỉ nên quy định có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, trong đó có ít nhất 1 tình tiết tại khoản 1 Điều 46 của BLHS là đủ, vì thực tế có những tình tiết rất riêng đối với từng bị cáo nhưng có giá trị làm giảm nhẹ TNHS đáng kể và chưa được ghi nhận trong Điều 46 của BLHS.

– Nên bỏ quy định khống chế “phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật” vì như phân tích trên, quy định này vừa làm cho Toà án không linh hoạt vừa làm cho bị cáo bị thiệt thòi vì không được hưởng một mức án đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ TNHS (một căn cứ để quyết định hình phạt – Điều 45 của BLHS).

4.2. Giải pháp khác:

Theo chúng tôi, muốn quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định phát huy hết ý nghĩa của nó thì ngoài yếu tố những quy định của luật hình sự thì công tác cán bộ vẫn là điều cần quan tâm hơn cả. Một điều luật muốn được áp dụng đúng đắn vào thực tiễn thì người cầm cân nảy mực phải có tâm sáng, có đủ tài năng để làm việc đó. Để quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định không bị lạm dụng thì cần người thẩm phán, hội thẩm nhân dân có đủ trình độ, kiến thức chuyên môn và vững vàng trước những cám dỗ vật chất, có ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa. Điều này một mặt không thể hô hào suông mà phải có chế độ đãi ngộ hợp lý, có quy chế lựa chọn để bổ nhiệm rõ ràng; cần nghiên cứu để đề xuất phương án bổ nhiệm thẩm phán suốt đời, kèm theo là quy định rõ về trách nhiệm khi thẩm phán vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, tạo dư luận về hình ảnh của những người thẩm phán công minh, tài giỏi, thu hút cho ngành Toà án những người tâm huyết, có kiến thức pháp lý sâu sắc.

 

Chú thích:

[1] Xem: Lê Thị Sơn, Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự, Tạp chí Luật học, số 5/1997, tr.19-20.

[2] Xem: Đinh Văn Quế, Một số vấn đề về quyết định hình phạt quy định trong BLHS năm 1999; Tạp chí Toà án nhân dân, số 16-tháng 8 năm 2005; tr 10, 11.

 

Nguyễn Hải Dũng

Theo: Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 93, tháng 3/2007

 

Bình luận về bài viết này