RSS

Rút yêu cầu khởi tố: Vẫn cần phải hướng dẫn

11 Th5

Cần phải hướng dẫn đối với việc rút yêu cầu khởi tố đối với một hay hai bị can trong vụ án có nhiều bị can, hướng dẫn với việc rút yêu cầu tại phiên tòa…

Điều 105 BLTTHS chỉ quy định “khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại” nhưng thực tiễn xét xử có nhiều vụ án không chỉ có một bị can, mà có nhiều bị can như báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5-4 và ngày 3-5 nêu. Ngoài ra còn có trường hợp vụ án tuy chỉ có một bị can nhưng lại có nhiều người bị hại; có người yêu cầu khởi tố, có người không yêu cầu thì giải quyết thế nào cũng là vấn đề vướng mắc.

Cho phép đình chỉ với từng bị can

Đối với trường hợp vụ án có nhiều bị can mà chỉ có một người bị hại; trước khi xét xử người bị hại làm đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với một bị can trong số nhiều bị can thì tòa án có được đình chỉ vụ án đối với bị can mà người bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố không? Có ý kiến cho rằng điều luật không nói rõ rút yêu cầu khởi tố vụ án hay rút yêu cầu khởi tố bị can nên trường hợp người bị hại làm đơn rút yêu cầu khởi tố cho một bị can thì việc rút yêu cầu này không thuộc trường hợp rút yêu cầu khởi tố theo khoản 2 Điều 105 BLTTHS; vụ án phải tiếp tục được truy tố, xét xử; việc rút yêu cầu khởi tố bị can này chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ cho bị can; chỉ khi nào người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án thì vụ án mới được đình chỉ.

Theo chúng tôi, hiểu như vậy là máy móc, không đúng với quy định của BLTTHS về trường hợp đình chỉ vụ án. Điều 169 và Điều 180 BLTTHS đều quy định: “Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ vụ án đối với từng bị can”. Như vậy, về nguyên tắc, pháp luật cho phép đình chỉ vụ án đối với một bị can trong số nhiều bị can trong cùng một vụ án. Điều 169 và 180 BLTTHS không loại trừ trường hợp đối với khoản 2 Điều 105.

Tuy nhiên, việc đình chỉ vụ án đối với từng bị can theo khoản 2 Điều 105 là trường hợp được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên rất cần hướng dẫn; nếu không, chắc chắn mỗi nơi sẽ hiểu và áp dụng khác nhau. Khi người bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố là đơn “yêu cầu khởi tố vụ án” nên khi rút đơn yêu cầu khởi tố phải được coi là rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án chứ không phải là rút đơn yêu cầu khởi tố bị can hay là đơn bãi nại. Tuy nhiên, nếu người bị hại chỉ rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với bị can nào thì bị can đó được áp dụng khoản 2 Điều 105, không thể buộc người bị hại phải rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án đối với tất cả bị can thì mới đình chỉ vụ án, còn chỉ rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án đối với một hoặc một số bị can thì không chấp nhận.

Cần hướng dẫn rút yêu cầu tại tòa

Trường hợp vụ án có nhiều người bị hại, nếu họ tham gia tố tụng với tư cách độc lập (không có đại diện) thì việc một người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án chưa thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 105 mà phải tất cả người bị hại đều rút yêu cầu khởi tố vụ án thì mới thuộc trường hợp đình chỉ. Việc rút yêu cầu khởi tố vụ án của một người bị hại trong số nhiều người bị hại có thể coi là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 BLHS nhưng phải nói rõ trong bản án. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần phải có hướng dẫn để áp dụng thống nhất.

Trường hợp người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án tại phiên tòa, theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS thì không thuộc trường hợp đình chỉ vụ án mà tòa án phải xét xử và ra bản án. Vì sao lại như vậy? Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn nào nên mỗi tòa giải quyết khác nhau. Có ý kiến cho rằng BLTTHS quy định cho phép người bị hại có quyền khởi tố (tư tố) thì không có lý do gì lại không cho họ quyền rút yêu cầu khởi tố bất cứ giai đoạn tố tụng nào. Ở một số nước trên thế giới quyền này được bảo đảm bất cứ ở giai đoạn tố tụng nào, kể cả đối với Viện Công tố. Ở nước ta, đối với VKSND cũng chỉ có quyền rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa sơ thẩm; còn tại phiên tòa, dù kiểm sát viên có rút một phần hoặc toàn bộ cáo trạng thì tòa án vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án và ra bản án. Có lẽ chính vì vậy mà đối với người bị hại cũng chỉ được rút yêu cầu khởi tố vụ án trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Quy định như vậy là phù hợp với quy định đối với VKSND. Tuy nhiên, nó có phù hợp với nguyện vọng của người bị hại hay không lại là vấn đề khác. Nếu thảo luận về vấn đề này, tôi tin rằng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau.

* * *

Tóm lại việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án trước, trong phiên tòa rất cần có hướng dẫn của cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương để việc áp dụng khoản 2 Điều 105 BLTTHS được thống nhất.

Không xem đơn bãi nại là rút yêu cầu khởi tố

Trong thực tiễn do không hiểu pháp luật nên người bị hại khi làm đơn rút yêu cầu khởi tố thường viết dưới hình thức “đơn bãi nại”. Đây là vấn đề cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần giải thích cho người bị hại về khoản 2 Điều 105 BLTTHS và hướng dẫn người bị hại làm đơn cho chính xác. Sau khi đã giải thích cho người bị hại về khoản 2 Điều 105 mà họ vẫn chỉ “bãi nại” thì không coi đơn bãi nại là đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án để đình chỉ vụ án.

Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TANDTC

Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

 

Bình luận về bài viết này