RSS

Có được cộng dồn thiệt hại trong án hình sự?

29 Th5

Một khi chưa có hướng dẫn và cách hiểu luật còn chưa rõ, còn gây tranh cãi thì nên vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.

Nhiều lần cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nhưng mỗi lần chỉ gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng thì cơ quan tố tụng có được cộng dồn để khởi tố người vi phạm? Luật không quy định, hướng dẫn cũng chưa có nên đã gây tranh cãi…

Ngày 7-5, VKSND tỉnh Phú Yên đã hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên Phan Văn Kích, nguyên hiệu phó Nguyễn Hồng Phong và nguyên trưởng phòng Kế hoạch – Tài vụ Hồ Thị Bích Hà về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bắt tay gây thiệt hại hơn 700 triệu đồng?

Theo cáo trạng, từ năm 2002 đến tháng 7-2011, ba bị can Kích, Phong và Hà đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thống nhất lập khống chứng từ đưa vào thanh toán, thu các khoản thu của trường rồi bỏ ngoài sổ sách, sử dụng chi tiêu sai nguyên tắc gây thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Trong đó, bị can Kích gây thiệt hại hơn 700 triệu đồng, bị can Phong liên đới gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng và bị can Hà liên đới gây thiệt hại gần 600 triệu đồng.

Trong vụ án này, VKS xác định các bị can đã có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong thời gian hơn tám năm (2002-2011). Trong đó, VKS cộng dồn cả những hành vi làm trái riêng lẻ, thời gian thực hiện cách xa nhau với thiệt hại dưới 100 triệu đồng (mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự tội cố ý làm trái… trong trường hợp thông thường). Tính đến trước ngày khởi tố vụ án, các bị can đều không có tiền án, tiền sự, chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi cố ý làm trái lần nào.

Cộng dồn thiệt hại được không?

Từ vụ án này nổi lên một vấn đề pháp lý: Theo Bộ luật Hình sự (BLHS), việc cộng dồn thiệt hại từ những hành vi làm trái riêng lẻ trong một thời gian dài để truy cứu trách nhiệm người vi phạm theo Điều 165 có được hay không?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) nghiêng về quan điểm cho phép cộng dồn những lần thiệt hại dưới 100 triệu đồng để tính tổng thiệt hại làm cơ sở xử lý hình sự. Theo ông, dù các bị can đã thực hiện hành vi cố ý làm trái nhiều lần, trong một thời gian dài, tuy nhiên các lần cố ý làm trái này được thực hiện nối tiếp nhau nên phải coi đây chỉ là một hành vi phạm tội nhưng diễn ra liên tục. Việc cộng dồn các thiệt hại nhỏ lẻ như VKSND tỉnh Phú Yên là hoàn toàn hợp lý.

Ngược lại, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) lại cho rằng dựa vào Điều 165 thì trường hợp người vi phạm gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng và chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi này thì chưa cấu thành tội cố ý làm trái… Do vậy, cần phải loại trừ trách nhiệm hình sự đối với các hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Hà, cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn dưới luật nào về vấn đề này. Một khi chưa có hướng dẫn và cách hiểu luật còn chưa rõ, còn gây tranh cãi thì nên vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Mặt khác, TAND Tối cao cũng cần sớm ban hành hướng dẫn để các cơ quan tố tụng áp dụng pháp luật thống nhất.

Phải xét cả quá trình phạm tội

Cần xác định rõ trong trường hợp này, các bị can đã xâm phạm đến cùng một khách thể trong một thời gian dài nên phải coi đây là một hành vi phạm tội nhưng diễn ra liên tục. Vì vậy, khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì tất cả quá trình phạm tội đều bị coi là một hành vi phạm tội mà thôi. Do đó, việc cộng dồn những thiệt hại dưới 100 triệu đồng mà các bị can này gây ra trong vụ án là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm khi tòa xét xử thì không được áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần.

ThS PHAN ANH TUẤN,Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Chỉ một hành vi

Các lần cố ý làm trái được các bị can thực hiện liên tục, nối tiếp nhau với cùng một khách thể bị xâm phạm. Do đó, tất cả chuỗi hành vi này đều bị coi là cùng một hành vi. Khi đó những thiệt hại mà các bị can gây ra cũng không thể tách rời nhau được mà phải cộng dồn lại để xác định thiệt hại trong vụ án.

Luật sư PHẠM VĂN VUI, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước

Cộng dồn là hợp lý

Nếu một người phạm tội nhiều lần thì có thể tách rời từng vụ việc cụ thể ra để xử lý. Chẳng hạn, người này đi trộm cắp của nhiều người khác nhau trên cùng một địa bàn trong thời gian một tuần. Khi bị bắt, cơ quan điều tra có thể căn cứ vào giá trị tài sản của những lần người này trộm cắp để xử lý. Qua đó, có thể những lần trộm cắp lặt vặt như con gà, con vịt thì không thể coi là hành vi phạm tội được.

Trong trường hợp này, không thể coi là phạm tội nhiều lần được mà chỉ có thể coi đây là một hành vi phạm tội được thực hiện liên tục mà thôi. Một khi đã xác định được vấn đề này thì việc cộng dồn để xác định thiệt hại là hoàn toàn hợp lý.

Một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Tiến Hiểu – Hồng Tú

Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

 
2 bình luận

Posted by trên 29.05.2012 in Luật Hình Sự

 

2 responses to “Có được cộng dồn thiệt hại trong án hình sự?

  1. Nguyễn Ngọc ANh

    26.02.2013 at 7:34 chiều

    Tất nhiên trong trường hợp này là không có nhiều hành vi phạm tội xảy ra rồi (vì số tiền bị thiệt hại trong mỗi lần có đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự đâu). Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét cụ thể mức độ tham gia và hành vi cả từng người trong cả quá trình diễn ra hành vi mới xác định được có tội phạm hay không. Nếu cứ cộng dồn hết lại chưa chắc đã đảm bảo khách quan đâu!

     
  2. Trung Kiên

    25.02.2014 at 2:50 chiều

    Nghe có vẻ ý kiến của luật sư Nguyễn Hồng Hà chính xác hơn. Các ý kiến khác nghe cũng khá hợp lý, nhưng lại chưa hợp với luật, mà chưa hợp với luật thì cũng không dùng được, nói thảng ra là vô dụng. không cận thận TAND xử lý xong vụ này, bị can kháng án lại bị bồi thường.

     

Bình luận về bài viết này