RSS

Bị can, bị cáo có quyền yêu cầu giám định?

30 Th5

Ngày 29-5, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau…

Vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là có nên bỏ giám định viên pháp y tại phòng kỹ thuật hình sự của công an cấp tỉnh hay không? Hoặc nếu giữ lại thì nên chăng chỉ để lực lượng này thực hiện công việc giám định tử thi mà thôi?

Quy về một mối thuộc ngành y tế?

Theo ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), hầu hết ở các nước trên thế giới, pháp y đều do Bộ Y tế, Bộ Tư pháp hoặc các trường ĐH quản lý chứ không hề có pháp y thuộc ngành công an. Bà Linh lý giải: “Việc áp dụng một quy trình khép kín từ trưng cầu giám định đến khâu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai do một cơ quan chỉ đạo thì dù khách quan, dù khoa học đến đâu chăng nữa, người ngoài cuộc vẫn nghi ngờ, niềm tin cũng không trọn vẹn. Nhất là các vụ chết người xảy ra đột ngột trong nhà tù, nơi tạm giam, tạm giữ hoặc khi truy bắt, trên đường dẫn giải. Những kết luận về nguyên nhân tử vong lại chính do cơ quan giam giữ, dẫn giải đưa ra thì dư luận khó đồng tình. Để tránh tình trạng oan, sai, tạo niềm tin trong việc giải quyết các vụ án thì nên để cơ quan giám định quy về một mối là cơ quan y tế”.

Đồng tình, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng việc đưa pháp y về ngành y tế rất cần thiết. “Tôi cho rằng việc phối hợp giữa hai ngành công an và ngành y tế hoàn toàn có thể thực hiện tốt được khi chúng ta có một lộ trình chuyển giao cụ thể. Hiện nay y tế là ngành có chế độ trực 24/24 giờ đảm bảo xử lý mọi tình huống cấp cứu khẩn cấp, hoàn toàn có thể đáp ứng kịp thời các yêu cầu của bên công an” – bà Nguyệt khẳng định

Theo ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), để kết luận được chính xác, ngoài việc sử dụng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, trong quá trình thực hiện giám định, giám định viên rất cần sự trợ giúp của các thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên ngành. Do đó, nếu tập trung giám định viên pháp y tại trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc ngành y tế quản lý thì việc đầu tư phát triển theo hướng chuyên trách, chính quy, hiện đại sẽ tập trung và hiệu quả hơn rất nhiều.

Hay vẫn giữ bên ngành công an?

Trái lại, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng nên giữ nguyên và dần hoàn thiện tổ chức giám định pháp y thuộc công an tỉnh. Dự thảo luật đã cho phép xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp thì không thể lập luận rằng vì lý do khách quan mà phải bỏ tổ chức pháp y của công an cấp tỉnh.

Bổ sung, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng trong tình hình tội phạm phức tạp như hiện nay, nếu không tổ chức lực lượng pháp y của công an cấp tỉnh sẽ dẫn đến tác động tiêu cực. Lực lượng này đang sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống và có mặt nhanh chóng ngay cả trong những ngày lễ, ngày nghỉ.

ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) thì cho biết ngoài việc phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định theo pháp luật, quy trình giám định tử thi cũng rất chặt chẽ và có sự tham gia của kiểm sát viên, luật sư, người làm chứng, đại diện gia đình nạn nhân… Hiện nay, đội giám định pháp y nằm ở phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh cũng độc lập hoàn toàn với cơ quan điều tra. Nếu bỏ lực lượng này thì sẽ rất lãng phí về cơ sở vật chất cũng như nhân lực.

Mở rộng quyền yêu cầu giám định

Một vấn đề khác, theo ĐB Đặng Công Lý (Bình Định), cần mở rộng quyền yêu cầu giám định tư pháp của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. “Làm như vậy để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội và không bỏ lọt tội phạm, nhất là không kết án oan người vô tội và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan” – ông Lý nói.

ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) thì đề nghị bổ sung thêm quyền yêu cầu giám định cả cho người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.

Tương tự, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định theo hướng cho phép đương sự trong án kinh doanh, thương mại, lao động cũng có quyền yêu cầu giám định. “Tuy nhiên, luật cũng nên bổ sung quy định về việc đương sự lợi dụng quyền này để kéo dài thời gian giải quyết án hoặc làm vụ án phức tạp thêm, đẩy gánh nặng về phía các cơ quan tiến hành tố tụng” – ông Nghĩa gợi ý.

Nhiều kết luận giám định mâu thuẫn, tính sao?

Thực tiễn không ít vụ án có nhiều kết luận giám định khác nhau, gây khó khăn cho những người tiến hành tố tụng. Về bản chất, kết luận giám định tư pháp là một nguồn chứng cứ quan trọng để các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá, sử dụng làm sáng tỏ nội dung vụ án. Do đó để khắc phục tình trạng án bị kéo dài, tốn công sức, tiền bạc, theo tôi luật nên quy định gặp trường hợp này thì thành lập một hội đồng giám định pháp y trung ương có từ ba người trở lên, gồm những chuyên gia đầu ngành có uy tín. Kết luận của hội đồng này sẽ là kết luận cuối cùng.

ĐB LƯƠNG VĂN THÀNH, Hải Phòng

Không nên mở rộng

Không nên mở rộng quyền yêu cầu trưng cầu giám định đối với bị can, bị cáo. Bởi lẽ trong án hình sự, trách nhiệm chứng minh có tội phạm hay không thuộc về các cơ quan tố tụng. Đồng thời, các kết luận giám định một khi đã được xem là chứng cứ thì phải được thu thập rất chặt chẽ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

ĐB HỒ VĂN NĂM, Đồng Nai

Thí điểm từng bước

Tôi thống nhất với quy định của dự thảo là chỉ cho phép tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và quyền tác giả. Tuy nhiên, việc thành lập hệ thống giám định pháp y ngoài công lập nên được thực hiện thí điểm, có bước đi theo lộ trình, tránh việc thành lập ồ ạt và gây xáo trộn, dẫn đến trở ngại cho các cơ quan tố tụng.

ĐB ĐẶNG CÔNG LÝ, Bình Định

Thanh Lưu

Theo: Tạp chí Pháp luật TP.HCM online

 

1 responses to “Bị can, bị cáo có quyền yêu cầu giám định?

  1. Trần Cảnh

    04.02.2013 at 11:16 sáng

    Thực tiễn hiện nay có nhiều vụ án xảy ra tại cơ quan điều tra, trại giam. Nếu để giám định pháp y của cơ quan điều tra giám định thì sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực và không khách quan trong kết quả thu được.

    Nếu đã chấp nhận xã hội giám định pháp y thì nên bỏ việc giám định trực thuộc cơ quan điều tra.

     

Bình luận về bài viết này