RSS

Daily Archives: 16.03.2011

Một số vấn đề về giới hạn xét xử

Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) về giới hạn của việc xét xử sơ thẩm quy định: “Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố và tòa án đã quyết định đưa ra xét xử“. Đây là chế định mới được đưa vào BLTTHS. Việc áp dụng điều luật này vào thực tiễn xét xử còn có nhiều khó khăn bởi sự nhận thức và hiểu biết về nội dung của điều luật chưa thống nhất. Mọi người đều hiểu nội dung thứ nhất của điều luật là tòa án chỉ xét xử những bị cáo mà viện kiểm sát đã truy tố và tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Không có ý kiến nào cho rằng tòa án có quyền xét xử cả người mà viện kiểm sát chưa truy tố. Nhưng nội dung thứ hai của điều luật là tòa án chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố và tòa án đã quyết định đưa ra xét xử thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến thì có nhiều nhưng tập trung vào hai loại.

– Loại ý kiến thứ nhất cho rằng toà án chỉ có quyền xét xử và kết tội bị cáo theo tội danh mà viện kiểm sát đã truy tố, không có quyền xét xử và kết tội bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà viện kiểm sát truy tố. Nếu toà án xét xử theo tội danh nặng hơn là làm thay cả chức năng truy tố của viện kiểm sát. Điều này trái với chức năng, nhiệm vụ của toà án đã được ghi nhận trong Hiến pháp.

– Loại ý kiến thứ hai cho rằng toà án được xét xử và kết tội bị cáo về bất cứ loại tội phạm nào (cả nặng hơn và nhẹ hơn) miễn sao phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo. Nếu không cho toà án được xét xử tội danh khác với tội danh đã truy tố thì toà án có thể ra bản án tuyên bố bị cáo không phạm tội như viện kiểm sát đã truy tố. Chính vì còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc thực hiện giới hạn của việc xét xử nên Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 8/12/1988 hướng dẫn về việc thực hiện giới hạn xét xử. Thông tư nêu rõ: Tòa án không được xét xử những người và những hành vi chưa được viện kiểm sát truy tố và không được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà viện kiểm sát truy tố… Trong trường hợp toà án đề nghị viện kiểm sát đổi tội danh nặng hơn và đã trao đổi mà viện kiểm sát không nhất trí thì cả hai bên đều phải báo cáo ngay với cấp trên của mình. Thủ trưởng hai cơ quan cấp trên cần trao đổi ngay, nếu thống nhất ý kiến thì hướng dẫn cấp dưới thi hành, nếu vẫn không thống nhất ý kiến thì toà án cấp dưới phải xét xử theo tội danh mà viện kiểm sát đã truy tố, không được tuyên là “bị cáo không phạm tội mà viện kiểm sát đã truy tố“.

Read the rest of this entry »